Sử dụng vật liệu xanh nhằm cải thiện úng ngập đô thị

Việc áp dụng vật liệu 'xanh' trong ngành xây dựng nhằm phòng, chống ngập đô thị hiệu quả là đòi hỏi bức thiết hiện nay, TTXVN đưa tin.
 

Tình trạng ngập lụt ở các đô thị lớn, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh diễn ra rất phổ biến, mà một trong những nguyên nhân chính là do hệ thống thoát nước đô thị đã cũ, không đáp ứng lưu lượng thoát nước mưa; thậm chí một số nơi chưa có giải pháp tổng thể để xử lý ngập úng, bài đăng TTXVN ngày 28/9 dẫn lời ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà, nói tại một hội thảo.

 

Sử dụng vật liệu xanh nhằm cải thiện úng ngập đô thị - Ảnh 1.
Hệ thống thoát nước đã cũ ở các đô thị lớn không tiêu thoát kịp nước mưa. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm quá mức cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh cũng góp phần làm tăng áp lực lên hệ thống thoát nước đô thị, ông Tân nói tại buổi hội thảo "Xu hướng công nghệ - Vật liệu trong công trình xây dựng" do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 28/9.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến tham gia hội thảo cho rằng việc áp dụng các vật liệu "xanh" theo hướng xã hội hóa, vừa hiệu quả trong giải pháp chống úng ngập cho các đô thị, vừa giảm ngân sách cho nhà nước lụt là một đòi hỏi mang tính bức thiết.

Sử dụng vật liệu xanh nhằm cải thiện úng ngập đô thị - Ảnh 2.
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, tại hội thảo. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Ở phương diện cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết sản xuất vật liệu xây dựng ngày nay đang có xu hướng phát triển các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường.

Hiện Việt Nam đang nghiên cứu, sản xuất một số loại vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình ngầm, đảm bảo chất lượng, mang lại hiệu quả như bằng vật liệu bê tông hữu cơ polymer, hay còn gọi là bê tông xanh - là một vật liệu tổng hợp bao gồm các cốt liệu thông thường như cát, đá sỏi và chất kết dính polyme hữu cơ tổng hợp.

Tuy nhiên, để ứng dụng được các sản phẩm vật liệu xây dựng trên, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng ban hành quy định bắt buộc các công trình xây dựng (nhà dân, công trình công cộng, nhà chung cư, văn phòng, nhà hàng, trường học, bệnh viện…) để bù đắp diện tích bê tông hóa bằng thể tích bể ngầm chứa nước mưa tương đương.

Đồng thời, ứng dụng các sản phẩm này cần có sự triển khai đồng bộ giữa địa phương các khu đô thị xây dựng bể chứa nước mưa ngầm, nhằm đảm bảo giữ lại nước mưa ở những khu vực cao và hạn chế nước mưa chảy về khu vực trũng.

Tác giả: Hoàng Long
Nguồn: TTXVN

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1