Các thủy vực tồn đọng nhiều chất ô nhiễm từ tàn dư cháy rừng

Các nhà khoa học Hoa Kỳ đã phát hiện thấy nồng độ các chất ô nhiễm trong nước đang tăng cùng tần suất cháy rừng, trang Science Daily đưa tin.

Nghiên cứu mới của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) nhấn mạnh cần tìm hiểu sâu hơn vấn đề này, Science Daily đưa tin ngày 15/9.

"Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về tác động của hỏa hoạn, không chỉ với thực vật mà còn cả nhà cửa, xe cộ và các vật liệu nhân tạo khác", Science Daily dẫn lời TS. Stephen LeDuc, nhà sinh thái học thuộc Trung tâm Đánh giá Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng của EPA, cho biết.

TS. LeDuc là đồng tác giả của nghiên cứu mới, được xuất bản ngày 15/9 trên Tạp chí Water Resources Research, tạp chí của Hiệp hội Địa Vật lý Hoa Kỳ (AGU) dành cho các nghiên cứu chưa được công bố về sự chuyển động và quản lý nước trên Trái Đất.

Các thủy vực tồn đọng nhiều chất ô nhiễm từ tàn dư sau cháy rừng của các công trình xây dựng - Ảnh 1.
Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng, dòng chảy, trầm tích và nhiệt độ nước thường tăng lên trong một vài năm sau cháy rừng.
Các chất dinh dưỡng cũng thường tăng lên, cùng với các kim loại độc hại và một số hóa chất hữu cơ.
 Ảnh: Orbital Horizon/Copernicus Sentinel Data/Gallo Images/Getty Images

Nghiên cứu này xem xét các xu hướng nước sau các trận cháy rừng được ghi lại trong 184  báo cáo khoa học kể từ năm 1980. 

Họ phát hiện ra rằng, dòng chảy, trầm tích và nhiệt độ nước thường tăng lên trong một vài năm sau cháy rừng. Các chất dinh dưỡng cũng thường tăng lên, cùng với các kim loại độc hại và một số hóa chất hữu cơ, đôi khi đạt nồng độ cao từ 10 đến 100 lần hơn mức trước khi xảy ra cháy.

Một tàn dư hóa chất có trong nước, chẳng hạn như asen, có thể vượt quá giới hạn quy định, ngay cả trong nước uống đã qua xử lý. 

Ví dụ, nồng độ benzen gây ung thư trong nước máy tăng cao sau khi nhà cửa và xe cộ bị cháy ở thị trấn Paradise, California. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy nồng độ kim loại cao hơn trong tàn tro của những đám cháy này, có khả năng ảnh hưởng đến dòng chảy.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra, chưa có nhiều nghiên cứu về các loại chất ô nhiễm đến từ các đám cháy rừng ở đô thị. Điều này gây bất lợi cho các nhà quản lý và lập kế hoạch cấp nước trong việc khắc phục hậu quả hỏa hoạn.

Các tác giả hy vọng nghiên cứu của họ sẽ giúp các cộng đồng và nhà quản lý chất lượng nước lập kế hoạch cũng như phục hồi sau những tác động của cháy rừng đối với các nguồn nước.

Tác giả: Quỳnh Anh
Nguồn: Science Daily

Bài viết cùng chuyên mục