Ninh Thuận đẩy nhanh tiến độ dự án hồ chứa nước sông Than

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã giám sát việc sử dụng rừng trong một dự án hồ chứa nước Sông Than tỉnh Ninh Thuận, báo Nhân Dân đưa tin.
 

Dự án Hồ chứa nước Sông Than là dự án trọng điểm do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư. Công trình có dung tích thiết kế hơn 85 triệu m3 với tổng mức đầu tư hơn 1.040 tỷ đồng. Đến nay, tiến độ thi công công trình đạt 61,38% tổng khối lượng dự án.

Tại buổi làm việc hôm 29/7 với Đoàn công tác của Ủy ban, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền đã báo cáo một số khó khăn về trữ lượng mỏ vật liệu đất chưa đủ đáp ứng cho công trình do địa tầng tại các mỏ vật liệu khi khai thác thực tế có sự biến thiên rất lớn về chiều dày và tính chất cơ lý.

Thời gian để thi công hoàn thành dự án không còn nhiều, tuy nhiên từ tháng 9 đến tháng 12/2022 là mưa lũ hằng năm, nên khó có thể đẩy nhanh tiến độ thi công.

Đồng thời, bà Huyền cũng kiến nghị Đoàn công tác quan tâm kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án; quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để thi công hoàn thành công trình đúng tiến độ đề ra.
 

Ninh Thuận đẩy nhanh tiến độ dự án hồ chứa nước sông Than - Ảnh 1.
Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công để bảo đảm khối lượng công trình trước mùa lũ năm 2022 đang gần kề. (Nguồn: báo Nhân Dân)
 

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đánh giá cao nỗ lực khắc phục khó khăn của chủ dự án, việc triển khai thực hiện đạt được những kết quả tích cực.

Đồng thời, bà Thủy ghi nhận và sẽ báo cáo với Quốc hội những kiến nghị của tỉnh để sớm tháo gỡ khó khăn, đưa Dự án vào hoạt động hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước và phục vụ sản xuất, tưới tiêu của nông dân.

Được biết, theo chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì Dự án Hồ chứa nước Sông Than được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số135/2020/QH14 là 431,76ha.

Đến nay, công tác chuyển đổi đất rừng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp thẩm định chuyển mục đích 112,21 ha đất rừng phòng hộ, hiện đang tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Tác giả: Hoàng Long

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1