Hà Nội sẽ xây trạm bơm dã chiến chống ngập ở Đại lộ Thăng Long

Sở Xây dựng TP .Hà Nội đã chọn phương án xây các trạm bơm dã chiến nhằm giải quyết tình trạng úng ngập tại Đại lộ Thăng Long, báo Hà Nội Mới đưa tin.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ bê tông hóa cao, trong khi hạ tầng kỹ thuật thoát nước chưa được đầu tư tương xứng đã khiến nhiều khu vực trở thành "điểm đen" thường xuyên úng ngập mỗi khi mưa lớn, trong đó có các hầm chui dân sinh dọc theo Đại lộ Thăng Long, theo Sở Xây dựng Hà Nội.

Đề xuất xây dựng trạm bơm dã chiến Đìa Sáo (công suất khoảng 11,2 m3/s) nhằm bơm hạ thấp mực nước trên kênh dẫn T2-4-2 đã được Sở Xây dựng nghiên cứu và lựa chọn, theo bài đăng báo Hà Nội Mới trực tuyến hôm 28/7.

Điểm đầu kênh sẽ xây dựng cửa phai chặn dòng nhằm hạn chế chảy ngược từ kênh T2-4-2 vào. Mực nước trong kênh T2-4-2 và đoạn cống hộp qua Khu đô thị An Khánh được khống chế ổn định trước khi mưa, tạo dung tích chứa, hạ mực nước khi khu vực có mưa.

Đồng thời, xây dựng trạm bơm dã chiến Đồng Tép (công suất khoảng 5,25 m3/s) để bơm hạ mực nước kênh Đồng Tép và kênh Trung Thượng trước khi có mưa, trong và sau khi mưa nhằm giảm mức độ úng ngập, thời gian úng ngập cho khu vực.

Ưu điểm của phương án này là các vị trí đề xuất xây dựng trạm bơm đã có sẵn quỹ đất. Trong đó, vị trí đề xuất xây dựng Trạm bơm Đìa Sáo là vị trí Trạm bơm Đìa Sáo cũ (nằm ở cuối kênh T2-4-2).

Do không còn phục vụ mục đích tưới tiêu nên đơn vị quản lý đã dỡ bỏ, khu đất này chưa có mục tiêu sử dụng tiếp theo. Còn vị trí Trạm bơm dã chiến Đồng Tép là tận dụng cải tạo cuối kênh Đồng Tép làm bể hút lắp đặt bơm dã chiến qua đê quai sông Cầu Ngà.

Hà Nội giải quyết úng ngập tại Đại lộ Thăng Long - Ảnh 1.
Công nhân sử dụng máy bơm để giải quyết úng ngập (Nguồn: báo Hà Nội Mới)
 

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, khu vực thường xuyên ngập khi có mưa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân là các hầm chui dân sinh số 3, 5, 6 và Km9+656 trên Đại lộ Thăng Long. Chiều sâu ngập trung bình khoảng 40 cm.

Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội thông tin thêm với báo Hà Nội Mới, nguyên nhân ngập úng của khu vực này là do cao độ mặt đường các hầm chui đều thấp hơn so với cao độ nền đường xung quanh trung bình 0,5- 0,7 m.

Hiện trạng thoát nước khu vực Đại lộ Thăng Long chủ yếu là tự chảy, phụ thuộc vào mực nước sông Nhuệ. Khi mực nước sông Nhuệ và sông Cầu Ngà dâng cao, thậm chí nước còn chảy ngược trở lại.

Hà Nội giải quyết úng ngập tại Đại lộ Thăng Long - Ảnh 2.
Công nhân tiến hành nạo vét tuyến cống, tăng khả năng tiêu thoát nước
 

Thời gian qua, nhằm xử lý tình trạng ngập úng cục bộ tại khu vực này, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã có các biện pháp tạm thời, bao gồm kiểm tra, rà soát và nạo vét các tuyến cống truyền dẫn từ các hầm chui đến nguồn tiêu, bảo đảm khai thác tối đa khả năng thoát nước của hệ thống.

Đồng thời, đơn vị đắp các đập quây bằng bao tải cát để hạn chế lượng nước từ các khu vực lân cận chảy vào khu vực hầm chui; xây dựng phương án ứng trực tại hiện trường khi có mưa lớn; huy động lực lượng điều tiết giao thông, vận hành các bơm di động để giảm mức độ ngập.

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1