Xử lý nước thải, chất thải rắn chưa thu hút đầu tư tư nhân

Khối tư nhân hiện chưa tham gia vào xử lý rác tại Việt Nam do thiếu khả năng sinh lời và cam kết hỗ trợ từ Nhà nước, báo điện tử Đại Biểu Nhân Dân đưa tin.

Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực nặng nề trong công tác thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị do theo đuổi tăng trưởng kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, tờ báo dẫn lời Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Vũ Tiến Lộc phát biểu tại một cuộc tọa đàm.

Tới năm 2018, Việt Nam vận hành 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị, với tổng công suất thiết kế trên 926 nghìn m3/ngày đêm, song tỉ lệ nước thải được thu gom và xử lý trước khi xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt mới chỉ đạt khoảng 13%.

Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay tại các khu đô thị vào khoảng 38.000 tấn/ngày, chất thải công nghiệp thông thường ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, còn chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 1 triệu tấn/năm, tờ báo dẫn số liệu từ các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.

Thúc đẩy hợp tác công tư trong xử lý nước thải và chất thải rắn - Ảnh 1.
Buổi tọa đàm ngày 5/7 tại Hà Nội. (Nguồn: báo điện tử Đại biểu nhân dân)
 

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đề ra mục tiêu cụ thể: đến năm 2030 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%.

Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đặt chỉ tiêu xử lý 70% nước thải.

Các chuyên gia ước tính trong lĩnh vực xử lý nước thải, việc tăng chỉ tiêu từ 15% lên 70% trong vòng 10 năm tới cần nguồn đầu tư từ 10-20 tỷ USD.

Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân tham gia hạn chế vào xử lý nước thải và chất thải rắn sinh hoạt, nên chủ yếu phải dựa vào nguồn vốn huy động từ vốn hỗ trợ phát triển chính thức hoặc ngân sách Nhà nước, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát biểu tại cuộc tọa đàm tổ chức hôm 5/7.

Hiện Chính phủ đang tài trợ tới 75% chi phí vận hành xử lý rác thải rắn, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới.

Cuộc tọa đàm về "Môt hình hợp tác công - tư trong xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải và chất thải rắn tại Việt Nam" nằm trong khuôn khổ Dự án "Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực, tăng cường khả năng thích ứng và phát triển bền vững" của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAid) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Ông Hiền nhận định, hiện Nhà nước đã có chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư) trong lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn đô thị. Tuy nhiên, cơ chế huy động nguồn lực vẫn chưa phát huy hiệu quả, thiếu các cam kết, hỗ trợ cụ thể để tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông thoáng và an toàn cho nhà đầu tư tư nhân.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên Nguyễn Thế Giang cho biết, tại Thái Nguyên hiện giá dịch vụ xử lý nước thải, chất thải rắn trên địa bàn tỉnh còn thấp, trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý yêu cầu kinh phí cao, liên tục nên rất khó khăn trong việc mời gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án.

Ngoài ra, các hợp đồng PPP được ký kết trước khi Luật Đầu tư theo phương thức PPP ra đời, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan, chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro trong quá trình vận hành dự án.

Do đó, theo ông Giang cần ưu ưu tiên xây dựng mới, điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng đơn giá đối với dịch vụ xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt theo từng công nghệ áp dụng bảo đảm khả năng thu hồi vốn và có lãi nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.

Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng chiến lược, quy hoạch hợp lý về phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở và hình thành một khung pháp lý rõ ràng cho PPP, trong đó có các cơ chế, chính sách về tín dụng, phí dịch vụ, đất đai, ông Hiền nêu ý kiến.

Tác giả: Nam Phương

Bài viết cùng chuyên mục