Gần một nửa sông trên thế giới chứa các loại dược phẩm nguy hiểm

Một nghiên cứu mới ở Anh đã chỉ ra rằng gần một nửa số con sông trên Trái Đất bị ô nhiễm từ các dược phẩm có tính nguy hiểm cao, New York Post đưa tin.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy có tới 43,5% trong tổng số 1.052 mẫu nước lấy ở các con sông thuộc 104 quốc gia chứa 23 thành phần hoạt tính từ dược phẩm vượt quá nồng độ trong ngưỡng "an toàn", theo bài đăng trên trang web của New York Post hôm 22/6.

Các chất này bao gồm những thành phần trong thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine, chất kích thích, thuốc an thần gây nghiện (gọi tắt là benzos) và thuốc giảm đau.

Nhà nghiên cứu Alejandra Bouzas-Monroy, Đại học York (Anh), nói: "Các phát hiện của chúng tôi cho thấy tỉ lệ rất cao các con sông trên thế giới đang bị đe dọa do ô nhiễm dược phẩm", và cho rằng đây là một mối quan tâm lớn về sinh thái.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), rác thải từ các cơ sở sản xuất dược phẩm, trang trại chăn nuôi và sự đào thải thuốc từ những người có cơ thể không chuyển hóa là nguồn gốc cho sự tồn tại của dược phẩm trong sông, hồ và suối.

43% con sông trên thế giới chứa các loại dược phẩm nguy hiểm - Ảnh 1.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 23 thành phần hoạt tính vượt quá nồng độ “an toàn” trong gần một nửa số mẫu lấy từ sông ở 104 nước. (Ảnh: Reuters)
 

Năm 2002, USGS đã tiến hành nghiên cứu lớn đầu tiên về chủ đề này và phát hiện ra 7 hóa chất khác nhau trong ít nhất một nửa số dòng sông được thử nghiệm; 34% số sông có chứa 10 hoặc nhiều hơn các chất kể trên.

Năm 2019, USGS đã kiểm tra 1.120 giếng và suối khắp nước Mỹ, và phát hiện chúng cũng chứa nhiều loại thuốc, trong đó nhiều nhất là carbamazepine (thuốc chống co giật), sulfamethoxazole (thuốc kháng sinh), meprobamate (thuốc an thần) và hydrocortisone (thuốc kháng histamine).

43% con sông trên thế giới chứa các loại dược phẩm nguy hiểm - Ảnh 2.
Tình trạng ô nhiễm hoạt chất dược phẩm có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng hệ thống sông ngòi trên thế giới. (Ảnh: AFP via Getty Images)
 

Các nhà khoa học cho biết hiện chưa rõ liệu việc tiếp xúc lâu dài với nguồn nước chứa các loại thuốc có gây hại cho sức khỏe con người không, nhưng nạn nhân đầu tiên chắc chắn là cá và các sinh vật sống dưới nước. Các quá trình sinh học của chúng có thể bị gián đoạn do lượng lớn thuốc từ con người thải ra.

Ngoài ra, việc hình thành một chủng "siêu vi khuẩn" có khả năng kháng kháng sinh do dư thừa kháng sinh trong môi trường cũng được các nhà khoa học cảnh báo ở mức độ cao.

"Nhìn chung, kết quả cho thấy ô nhiễm hoạt chất dược phẩm là một vấn đề toàn cầu có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng hệ thống sông ngòi trên thế giới. Việc cần làm bây giờ là giảm nồng độ xuống mức có thể chấp nhận được", các nhà nghiên cứu kết luận.

Tác giả: Tiến Thành (dịch)
Nguồn: New York Post

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1