Doanh nghiệp ngành Nước Việt Nam tập huấn tại Phần Lan, Estonia

Mới đây, đoàn Việt Nam gồm lãnh đạo các doanh nghiệp ngành Nước đã tham quan tập huấn hơn hai tuần tại các trường đại học và cơ sở cấp, thoát nước ở Phần Lan và Estonia.

 

Đoàn gồm 13 thành viên, đứng đầu là ông Mai Song Hào, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước và Môi trường Bình Dương, đã thực hiện chuyến thăm quan và học tập từ ngày 2-17/6/2022.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn đã có buổi làm việc với Hội Cấp thoát nước Phần Lan (FIWA). Chủ tịch FIWA, ông Osmo Seppala, đã giới thiệu Hệ thống tiêu chuẩn và chỉ số đánh giá hiệu quả của các công ty cấp nước tại Phần Lan (VENLA, VEETI), và phương án chuẩn bị ứng phó với các tình huống khủng hoảng trong hoạt động cấp thoát nước tại quốc gia này.

Lãnh đạo các doanh nghiệp ngành nước Việt Nam kết thúc chuyến thăm châu Âu - Ảnh 1.
Đoàn công tác thăm và làm việc với Hội Cấp thoát nước Phần Lan.
 

Ngoài ra, đoàn đã thăm Trường đại học Khoa học ứng dụng Savonia và Trường Đại học miền Đông Phần Lan ở thành phố Kuopio, Trường Đại học Khoa học ứng dụng Laurea ở thành phố Helsinki.

Đoàn đã được giới thiệu mô hình cụm cấp nước Kuopio, các giải pháp cấp nước thông minh và phần trình bày về mô hình phát triển bền vững cũng như đảm bảo an ninh, an toàn cấp nước.

Đoàn cũng đã trao đổi với 10 doanh nghiệp cấp, thoát nước của Phần Lan và Estonia, qua đó học hỏi được nhiều công nghệ, kinh nghiệm cấp, thoát nước của nước bạn.

Điển hình là công nghệ bổ cập nước ngầm nhân tạo có kiểm soát (Managed Artificially Recharge – MAR) được áp dụng bởi Công ty cấp nước vùng Turku, đơn vị sản xuất nước bán buôn cho thành phố Turku và 06 thành phố xung quanh với tổng công suất cấp nước 65.000 m3/ngày.

Lãnh đạo các doanh nghiệp ngành nước Việt Nam kết thúc chuyến thăm châu Âu - Ảnh 2.
Công nghệ bổ cập nước ngầm nhân tạo có kiểm soát (Managed Artificially Recharge – MAR) được áp dụng tại Turku.
 

Hay hệ thống giám sát, điều khiển tự động SCADA được Công ty cấp nước thành phố Mikkeli sử dụng trên toàn bộ hoạt động xử lý của các nhà máy cũng như hoạt động quản lý mạng lưới, cho phép điều khiển nhà máy này tại các nhà máy khác trong hệ thống.

Ngoài ra, đoàn đã tham quan 2 nhà máy xử lý nước thải của Phần Lan, trong đó có nhà máy xử lý nước thải thành phố Mikkeli, nhà máy xử lý nước thải hiện đại nhất Phần Lan cũng như châu Âu, sử dụng công nghệ AO (Thiếu khí - Hiếu khí) kết hợp màng lọc sinh học MBR (Membrane Bioreactors).

Đặc biệt, đoàn đã có buổi làm việc với chính quyền thành phố Mikkeli và nghe thuyết trình về mô hình quản lý hồ Vesijarvi - hồ nổi tiếng nhất Phần Lan. Trước năm 1970, đây là 1 trong những hồ ô nhiễm nhất Phần Lan do hoạt động xả thải của hoạt động nông nghiệp vào hồ.

Đến nay, nhờ áp dụng các biện pháp cải tạo và quản lý phù hợp, nơi đây có cảnh quan được coi là đẹp nhất Phần Lan, với chất lượng nước hồ trở về mức tương đương như khi chưa có hoạt động công nghiệp, có thể nuôi cá.

Thông qua chương trình, đoàn công tác đã có được bức tranh khá tổng quan về tình hình cấp thoát nước nói chung tại Phần Lan, cũng được tiếp cận với một số lý thuyết, mô hình mới, có thể được áp dụng trong tương lai để giải quyết các vấn đề của ngành cấp thoát nước Việt Nam. 

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1