Nhiều công trình xử lý nước thải ở Hà Nội "mọc rêu" gần chục năm

Gần chục năm nay, nhiều công trình xử lý nước thải ở Hà Nội bị bỏ hoang, gây lãng phí hàng chục tỷ đồng, nhiều báo đưa tin.

Với 70 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc lắp đặt trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp là cần thiết để đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều công trình xử lý nước thải với chi phí đầu tư hàng chục tỷ đồng đã bị bỏ hoang nhiều năm.

Không có nước thải để hoạt động

Trạm xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Tân Triều (huyện Thanh Trì) được đầu tư xây dựng vào năm 2005 với công suất thiết kế 500 m3/ngày đêm, tổng kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng. Thế nhưng, từ khi xây dựng đến nay trạm chưa từng vận hành, toàn bộ nước thải của làng nghề được xả thẳng ra môi trường, báo Tiền Phong đưa tin ngày 23/6.

Lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì chia sẻ với báo Tiền Phong, nguyên nhân trạm xử lý nước thải chưa được khai thác là do doanh nghiệp trước đây làm chủ đầu tư năng lực tài chính hạn chế, lượng nước xả thải ở cụm công nghiệp, làng nghề còn ít.

Tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Cụm tiểu thủ công nghiệp xã được đầu tư hởn 4 tỷ đồng, trong đó hơn 2 tỷ đồng đầu tư xây lắp, 2 tỷ đồng còn lại dành cho lắp đặt thiết bị.

Hà Nội: Nhiều dự án xử lý nước thải “đắp chiếu” - Ảnh 1.
Đoàn giám sát Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội đến làm việc tại cụm công nghiệp Tân Triều, Thanh Trì năm 2017..
 Đến nay, trạm vẫn chưa được vận hành. Ảnh: dwrm.gov.vn

 

Hiện nay nhà máy mới chỉ xây dựng công trình, chưa lắp đặt thiết bị. Ngôi nhà hai tầng ngay đường vào cụm công nghiệp nằm phơi sương. Bể lọc, lắng khô hạn, mốc meo, sắt thép, lan can công trình gỉ sét. Bên trong, bùn đất be bét, một người dân đã tận dụng làm chuồng nuôi gà chọi, theo ghi nhận của báo Giao thông ngày 8/6/2022.

Tương tự, tại thị xã Sơn Tây, hệ thống xử lý nước thải Cụm tiểu thủ công nghiệp Phú Thịnh được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2013, vốn đầu tư xây dựng hơn 6,5 tỷ đồng lấy từ ngân sách thành phố và chủ đầu tư cụm công nghiệp. Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, địa phương đã tận dụng địa điểm này làm nơi cách ly bệnh nhân dương tính, báo Giao thông đưa tin.

Lý giải nguyên nhân hệ thống này không đưa vào sử dụng, ông Thái cho biết, cụm tiểu thủ công nghiệp không có nước thải và hệ thống thu gom nước thải, chỉ có hệ thống xử lý nước sinh hoạt. Do đó, huyện không đưa hệ thống xử lý nước thải vào vận hành, đồng thời xin thành phố Hà Nội không lắp đặt thiết bị xử lý nước thải.

Tương tự, tại hệ thống xử lý nước thải Cụm Tiểu thủ công nghiệp Phú Thịnh, dù đã lắp đặt xong thiết bị, thanh toán hơn 4 tỷ đồng nhưng đến nay… không có nước thải để xử lý.

Đại diện Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây giải thích với báo Tiền Phong, trạm xử lý nước thải này bị bỏ hoang là do trong 3 cụm doanh nghiệp xả thải, 1 cụm doanh nghiệp không hoạt động, 1 doanh nghiệp đã tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải, cụm còn lại hoạt động cầm chừng nên gần như không có nước thải đầu vào.

Phản hồi của địa phương

Về trạm xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Tân Triều, đại diện UBND huyện Thanh Trì cho biết, để vận hành hiệu quả trạm xử lý nước thải, huyện đã có văn bản đề xuất cho phép đấu nối nước thải từ Cụm công nghiệp vào Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá cách đó không xa. Sau khi dự án đi vào hoạt động, tình trạng ô nhiễm tại cụm công nghiệp này sẽ được xử lý, báo Giao Thông đưa tin.

Đối với trạm tại Cụm tiểu thủ công nghiệp Liên Hà, ông Nguyễn Viết Thái, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng huyện Đan Phượng nói với báo Tiền Phong, huyện không đưa hệ thống xử lý nước thải vào vận hành, đồng thời xin thành phố Hà Nội không lắp đặt thiết bị xử lý nước thải. "Đề án do Sở Công Thương đề xuất triển khai, huyện chỉ thực hiện".

Đối với tình trạng trạm xả thải "đắp chiếu" ở Cụm tiểu thủ công nghiệp Phú Thịnh, Đại diện Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây nói với báo Tiền Phong: "Đầu tư trạm xử lý nước thải ở đây chưa hiệu quả".

Theo báo Tiền Phong, đại diện Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn đang có hiệu quả thấp.

"Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các địa phương tổng hợp, báo cáo về hiệu quả xử lý nước thải của từng trạm xử lý nước thải. Từ đó có giải pháp phù hợp để vận hành hiệu quả các trạm xử lý nước thải", đại diện Sở Công Thương cho biết.

Tác giả: Nam Phương (tổng hợp)

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1