Chính phủ công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư Đồng bằng sông Cửu Long

Chính phủ đã công bố các dự án phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2021-2025, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với 5 năm trước đó, các báo trong nước đưa tin.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030 tại Cần Thơ sáng 21/6 với chủ đề "Đồng bằng sông Cửu Long: Tư duy mới – Tầm nhìn mới – Cơ hội mới – Giá trị mới", trang Fili.vn đưa tin.

Đây là nội dung thiết thực, có ý nghĩa trong việc hiện thực hóa Quy hoạch vùng và Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL và nhóm 6 ngân hàng phát triển (bao gồm: ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA, WB) thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đến nay, toàn bộ các dự án của hai Bộ và 13 tỉnh, thành phố trong vùng đã được nhóm 6 ngân hàng phát triển bày tỏ quan tâm; với mức vốn cam kết vào khoảng 2,2 tỷ USD.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Nghị quyết cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trước hết, cần quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, tập trung, thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.

Dồn lực cho giai đoạn 2021-2025

ĐBSCL có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đã đạt kết quả khá toàn diện, trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp, là trụ đỡ bảo đảm an ninh lương thực, có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng còn khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, do nhiều nguyên nhân nội vùng và ngoại vùng.

Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án do địa phương quản lý dự kiến khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư qua một số bộ như Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng đạt khoảng 140.000 tỷ đồng. Tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 460.000 tỷ đồng.

Chính phủ công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ trên cao. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, suy giảm tài nguyên nước, một số cửa sông bị bồi lắng, rồi biến mất, dòng chảy ít nhiều bị tác động bởi các công trình đập nước, hồ chứa ở thượng nguồn gây hệ luỵ sụt lún, sạt lở... là những thách thức của vùng ĐBSCL, TTXVN đưa tin.

Xác định tính cấp thiết của thách thức này, Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm phát triển vùng là "Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi." Tài nguyên nước không chỉ giới hạn ở nước ngọt mà còn cả nước lợ, nước mặn.

Tài nguyên nước gắn kết chặt chẽ, mật thiết với các vùng sinh thái nông nghiệp đa dạng, dựa vào nguồn nước, bao gồm vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái mặn - lợ, vùng chuyển tiếp ngọt lợ, ngọt - lợ luân phiên. Với tinh thần "chủ động, linh hoạt" thích ứng với sự thay đổi sẽ tiếp tục mở ra dư địa phát triển mới.

Về đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nhu cầu đầu tư cho vùng khoảng 41.257 tỷ đồng; trong đó, rà soát những nội dung ưu tiên thì nhu cầu khoảng 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025.

Dự kiến danh mục một số dự án trọng điểm cần đầu tư gồm: hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi Tứ giác Long Xuyên; dự án hệ thống thuỷ lợi liên tỉnh vùng giữa sông Tiền - sông Hậu và bán đảo cà Mau; cụm công trình kiểm soát mặn, củng cố, nâng cấp đê biển Tây; hệ thống công trình đào tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sảng vùng phía Nam Quốc lộ 1A; công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn…

Tác giả: Như Phương (tổng hợp)

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1