Lấy nước từ cồn nổi trên sông Hồng

Trong khi nguồn nước ngầm ở Hà Nội đang ngày một cạn kiệt và ô nhiễm thì các nhà khoa học đã phát hiện ra phương pháp khai thác nước ngầm từ các cồn nổi trên sông Hồng. Đây là giải pháp hay nếu được thực hiện thành công sẽ đem lại cho Hà Nội nguồn nước dồi dào với trữ lượng lớn, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của người dân Thủ đô.

Theo nhận định của các chuyên gia về tài nguyên nước: Thời gian qua, do sự khai thác mạnh mẽ tài nguyên nước để phục vụ các nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, du lịch và dịch vụ đã khiến nước dưới đất ở thành phố Hà Nội bao gồm các quận nội thành và vùng lân cận đã có một số biểu hiện suy thoái.
 
Sự suy thoái về lượng biểu hiện rõ nhất ở sự suy giảm công suất khai thác ở các bãi giếng khu vực nội thành thành phố. Lưu lượng khai thác ở tất cả các bãi giếng ở đây đều giảm hơn so với thiết kế. Theo đó, các bãi giếng vùng ven sông Hồng như Yên Phụ, Lương Yên không bị giảm, thậm chí còn tăng công suất khai thác. Tất cả các bãi giếng còn lại của bảng trên nằm xa sông Hồng trong khu vực nội thành của thành phố đều bị giảm công suất khai thác so với thiết kế. Việc giảm này thể hiện ở việc giảm dần công suất khai thác ở các giếng khoan, có nơi thậm chí phải dừng khai thác ở một số giếng. Đến nay công suất khai thác các bãi giếng chỉ đạt từ 69 đến 78% công suất thiết kế.
 
Sự suy thoái về lượng còn biểu hiện ở sự giảm mực nước dưới đất theo thời gian, sự mở rộng phễu hạ thấp mực nước dưới đất. Theo tài liệu quan trắc mực nước dưới đất liên tục ở mạng cố định của Trung tâm Quan trắc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc từ những năm 90 của thế kỉ trước đến nay cho thấy, mực nước ở các lỗ khoan quan trắc trong lòng thành phố bị giảm trong thời kì 1990-2005 với tốc độ trung bình từ 0,3-0,5 đến 0,6-0,8m/năm, làm cho mực nước dưới đất hạ xuống rất sâu như ở Mai Dịch đến 26m, Hạ đình dến 34m cách mặt đất. Từ năm 2005 đến nay do giảm công suất khai thác nên mực nước dưới đất không giảm nữa. Việc hạ thấp mực nước dẫn đến hình thành phễu hạ thấp bao trùm lên các công trình khai thác. Cùng với sự giảm dần mực nước theo thời gian, phễu hạ thấp mực nước cũng được mở rộng dần. Nếu lấy giới hạn vùng có độ cao mực nước thấp hơn 0 mét so với mực nước biển là vùng bị ảnh hưởng do khai thác thì diện tích vùng này vào đầu những năm 90 của thế kỉ trước chỉ khoảng 200 km2 nay đã tăng lên đến trên 250 km2 cũng là những biểu hiện của sự suy thoái về lượng.
 
Nhiều lợi thế khi khai thác nước tại cồn nổi sông Hồng
 
Theo phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-TTg, ngày 21 tháng 3 năm 2013, nhu cầu về nước cho toàn thành phố đến các năm 2020, 2030, 2050 tương ứng là 1,6; 2,4 và 3,1 triệu m3/ng. Tuy nhiên, trước thực tế trên đây, Hà Nội không thể đạt được mục tiêu như đã đề ra. Qua nhiều hội thảo, các nhà khoa học đã nghĩ đến giải pháp khai thác nước dưới đất ở các cồn nổi trên sông Hồng, có thể làm tăng đáng kể trữ lượng nước khai thác mà không có các tác động đáng kể đến môi trường.
 
Theo tài liệu khoa học đã công bố, sông Hồng đoạn từ Sơn Tây đến Gia Lâm có 5 cồn nổi giữa sông điển hình. Đó là, cồn nổi 1, nằm trên diện tích của 6 xã : 3 xã Chu Phan, Thạch Đà, Hoàng Kim thuộc huyện Mê Linh và 3 xã Hồng Hà, Liên Hà, Liên Hồng thuộc huyện Đan Phượng.
 
Cồn nổi 2, còn có tên gọi là bãi Đại Độ, nằm trên địa phận của 2 xã : Đại mạch và Võng La thuộc huyện Đông Anh.
 
Cồn nổi 3, là một cồn mới nổi trong vài chục năm nay, nằm trên địa phận của 3 xã : Liên Mạc thuộc huyện Từ Liêm và Đại Mạch, Võng La thuộc huyện Đông Anh.
 
Cồn nổi 4, còn có tên là bãi Tứ Liêm, nằm trên địa phận của 3 xã : Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Tầm Xá thuộc huyện Đông Anh và 2 phường Phú Thượng, Nhật Tân thuộc quận Tây hồ.
 
Cồn nổi 5, còn có tên là bãi Giua, nằm trên địa phận của các phường Tứ Liêm, Phúc Tân, Phúc Xá của quận Tây Hồ và phường Ngọc Thụy thuộc quận Long Biên.
 
Tiến sỹ Nguyễn Văn Đản, chuyên gia về tài nguyên nước dưới đất cho biết: Công suất khai thác nước dưới đất tại mỗi điểm trên các cồn nổi có thể đạt đến trên 10.000 m3/ng. Do kỹ thuật khai thác và khoan giếng hiện nay ở Hà Nội chỉ đạt đến 7.000 m3/ng, có thể thiết kế thành cụm gồm 2-3 giếng tại mỗi điểm. Các giếng khai thác trong mỗi cụm bố trí theo phương vuông góc với phương của bãi giếng, tức là vuông góc với phương dòng chảy của sông Hồng, khoảng cách các giếng trong cụm 3-5 m. Mỗi bãi giếng có thể có trên dưới 10 cụm giếng khai thác cách nhau 50-100 m bố trí dạng đường thẳng theo hướng kéo dài của cồn sao cho đạt được công suất của cả bãi giếng khoảng trên dưới 100.000 m3/ng, tiện lợi cho công tác quản lý.
 
Mặt khác, theo các nhà khoa học, việc bố trí công trình khai thác nước dưới đất ở các cồn nổi trên sông Hồng rất thuận tiện: Số lượng giếng khai thác ít nhưng cho công suất lớn, chất lượng nước rất tốt, khoảng cách giữa các giếng khoan khai thác rất nhỏ, thuận lợi cho việc xây dựng mạng truyền dẫn và quản lý… sẽ làm tăng đáng kể nguồn nước cung cấp cho các nhu cầu của Thủ đô.
Tuy nhiên, các nhà khoa  học cũng cho rằng, để việc xây dựng công trình khai thác ở các cồn nổi cần nghiên cứu các vấn đề về điều kiện thủy động lực của dòng chảy, tính ổn định của các cồn nổi, các điều kiện an toàn cho giếng vào các mùa lũ.
 
Minh Trang
Cục QLTN Nước
 

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1