Trực thăng, tàu ngầm mini và công nghệ đốt rác

Cái lò đốt rác của ông Kiên thu hút sự chú ý của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đã có nhiều doanh nghiệp trong nước “dạm” hỏi hợp tác đầu tư, doanh nghiệp của Nhật Bản, Thụy Điển cũng nhã ý tìm hiểu. Tuy nhiên, cho đến nay, dù nhiều lời ngợi ca, vẫn chưa có một hợp đồng hợp tác nào được ký. Vậy thì tại sao?
 

Nông dân Bùi Khắc Kiên (xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thải Bình) chế tạo ra được một lò đốt có công nghệ.

Một nông dân lại có khả năng sáng chế công nghệ đốt rác, sản xuất ra điện quả thực hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý môi trường. Tuy nhiên, từ thông tin về sáng chế cho đến thực tế ứng dụng là một khoảng cách vô cùng lớn và một thử thách không dễ vượt qua.

Lâu nay, có nhiều công trình khoa học được công bố, nhưng sau đó ngủ quên trong ngăn kéo của các trường, viện. Những công trình này là đề tài từ cấp trường tới cấp quốc gia, được hội đồng xét duyệt, được nhà nước cho ngân sách. Nhưng cuối cùng, hiệu quả ứng dụng vào đời sống, sản xuất không có nhiều.

Không ứng dụng hiệu quả có nhiều lý do, có thể vì chất lượng của công trình kém, có thể đề tài khoa học chưa cấp thiết đối với đời sống, cũng có thể do không có sự đầu tư kết hợp giữa sáng chế và kinh doanh. Trên thực tế, có nhiều nhà khoa học sáng chế được các sản phẩm công nghệ, nhưng họ không có khả năng đưa ra thị trường.

Ở đây, sản phẩm công nghệ đốt rác của ông Kiên mới chỉ dừng lại ở ý tưởng và hệ thống quy trình sơ sài. Ông Kiên cũng chưa được cấp bằng sáng chế mà chỉ được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ về việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Có nghĩa là mới chỉ nộp đơn đăng ký. Từ cái đơn đăng ký thì chưa có thể tính đến chuyện ký hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp để phục vụ mục đích thương mại.

Trong quá trình thử nghiệm công nghệ đốt rác lấy điện, nhiều ý kiến cho rằng địa phương đã làm khó ông Kiên, ngăn cản không cho nhân tài phát triển. Nhưng chính quyền địa phương có lý khi không cho ông Kiên vận hành nồi hơi vì có thể gây nguy hiểm cho ông và cho khu dân cư. Bởi trên thực tế, ông Kiên sẽ xử lý như thế nào khi đưa hàng tấn rác về cơ sở của ông, xử lý đâu chưa thấy mà đã gây ra ô nhiễm môi trường.

Hãy khuyến khích, động viên những con người có khả năng phát minh, sáng chế, sáng tạo, nhưng cần phải tỉnh táo để đánh giá chính xác các sản phẩm công nghệ, công trình khoa học. Từng có những nông dân chế tạo máy bay trực thăng, bỏ ra nhiều công sức, tiền của để đổi lại chồng báo tung hô ca ngợi. Mới đây, có doanh nhân chế tạo tàu ngầm mini, nhưng ra biển thử nghiệm thì không “ngầm” được mà chỉ nổi.

Việc xử lý rác, tạo ra điện, phục vụ cho đời sống dân sinh và bảo vệ môi trường là quá cần thiết, nhưng để có được sản phẩm công nghệ này, cần có sự thẩm định, hỗ trợ của các cơ quan quản lý khoa học công nghệ, các nhà khoa học chuyên ngành.

Đừng dể ông Kiên phải vất vả loay hoay một mình mà hỗ trợ để công trình có thể thành công. Bằng không thì cũng chỉ ra cho ông Kiên thấy được rằng, đó chưa phải là sản phẩm công nghệ. Dù sự thật có phũ phàng thì cũng còn hơn để ông ảo tưởng sáng tạo làm mất thì giờ và tiền của.

Lê Chân Nhân
dantri

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1