Một trong những bình gốm có các viên chữ hình nêm, trong đó một viên vẫn nằm nguyên trong lớp vỏ bằng đất sét ban đầu. Nguồn: Euronews.com

Mặc dù nước ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả những hoạt động kinh doanh cơ bản nhất, rủi ro về nước là một "điểm mù" đối với nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp, CDP cảnh báo.
 

Mới đây, một nghiên cứu mới của CDP và Planet Tracker cảnh báo rằng các doanh nghiệp trên thế giới chưa nhận thức được ảnh hưởng của rủi ro về nước đối với hoạt động kinh doanh của mình, Reuters đưa tin.

CDP là tổ chức phi lợi nhuận chuyên về báo cáo tác động môi trường toàn cầu. Planet Tracker là tổ chức phi lợi nhuận của Anh chuyên nghiên cứu, phân tích và vận động chính sách tài chính.

Một phần ba các tổ chức tài chính đã niêm yết không đánh giá mức độ rủi ro về nước trong các hoạt động tài chính, mặc dù 69% các công ty này đã tiết lộ với CDP vào năm 2021 rằng họ đang phải chịu những rủi ro liên quan đến nước.

"Phần lớn các doanh nghiệp vẫn có suy nghĩ rằng nước sẽ luôn sẵn có cho họ bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào họ cần, và họ không cần quan tâm đến vấn đề này", bà Cate Lamb, Giám đốc Toàn cầu về An ninh Nước của CDP, cho biết.

Rủi ro về nước ảnh hưởng khôn lường đến hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới - Ảnh 1.
Tại ngôi làng Bandai, thuộc huyện Pali, Ấn Độ, người đàn ông đi bộ trên nền đáy nứt nẻ của một cái ao đã cạn khô. Ảnh: TTXVN/AFP

Tuy nhiên, với việc Liên Hợp Quốc dự đoán nguồn cung cấp nước toàn cầu sẽ thiếu hụt 40% vào năm 2030 nếu các mô hình tiêu thụ và sản xuất hiện tại không thay đổi, dự đoán này sẽ khiến các công ty ngày càng phải đối mặt với rủi ro hoạt động, nghiên cứu trên cho biết. 

Các doanh nghiệp trong những ngành công nghiệp chủ chốt đã mất hàng tỷ đô la do hậu quả của cuộc khủng hoảng nước toàn cầu.

Báo cáo cũng đưa ra những trường hợp các dự án phải dừng hoạt động do những thay đổi trong quy định, mức độ ô nhiễm cao và sự phản đối của cộng đồng, chẳng hạn như đường ống dẫn dầu Keystone ở Canada, khai thác vàng giữa biên giới Chile và Argentina, khai thác than ở Australia và nhà máy hạt nhân ở Hoa Kỳ.

Không chỉ vậy, một loạt các lĩnh vực khác cũng phải đối mặt với những rủi ro đáng kể về nguồn cung và chất lượng nước, từ thời trang, nông nghiệp cho đến sản xuất chip điện tử và trung tâm dữ liệu.

Ở Chennai, bang Tamil Nadu của Ấn Độ, một trong những thành phố phát triển nhanh nhất thế giới, trận hạn hán kinh hoàng vào năm 2019 đã làm cho thành phố cạn kiệt nước ngầm, khiến một số công ty công nghệ địa phương bị giới hạn hoặc hủy bỏ hoàn toàn giấy phép hoạt động, bà Lamb cho biết.

Trong đợt nắng nóng gần đây, nhánh sông lớn nhất của Ấn Độ lần đầu tiên bị khô kiệt hoàn toàn, đe dọa sản xuất nông nghiệp - nguồn cung cấp lương thực cho hầu hết cả nước và ảnh hưởng đến sản lượng điện khổng lồ.

Rủi ro về nước ảnh hưởng khôn lường đến hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới - Ảnh 2.
Phụ nữ và trẻ em Ấn Độ lấy nước từ đoàn tàu tiếp tế trong tình trạng hạn hán nghiêm trọng hồi tháng 5 vừa rồi. Ảnh: TTXVN/AFP

"Khi những sự kiện như thế này xảy ra, các chính phủ phải đưa ra những quyết định thực sự khó khăn, đó là hy sinh sản xuất năng lượng và các hoạt động kinh doanh để đảm bảo nguồn cung cấp nước cho người dân và sản xuất lương thực", bà Lamb nói thêm.

Đầu tuần này, các quan chức Hoa Kỳ đã công bố những biện pháp chưa từng có để tăng mực nước tại Hồ Powell, một hồ chứa nhân tạo trên sông Colorado hiện đang ở mức thấp đến mức đe dọa việc sản xuất thủy điện của bảy bang miền Tây. 

Khu vực này đã trải qua thời kỳ khô hạn nhất được ghi nhận trong vòng hai thập kỷ qua. Las Vegas đã cấm tưới nước cho các bãi cỏ, và các biện pháp quyết liệt tương tự đang được cân nhắc ở các khu vực khác của California.

Bà Lamb nhấn mạnh, trong khi lượng nước trên hành tinh có giới hạn, nhu cầu của con người đang tăng nhanh. Lượng nước cần thiết để sản xuất năng lượng và trồng trọt, vốn đã chiếm 75% nhu cầu sử dụng nước, được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040.

Bà Lamb cho biết thêm, đây là một vấn đề đối với tất cả các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Giống như khí hậu, rủi ro về nước bao gồm rủi ro vật lý từ các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và lũ lụt, cũng như rủi ro chuyển đổi khi sản phẩm bị cấm sản xuất do đòi hỏi nhiều nước, luật không phát thải như đang được áp dụng ở Liên minh châu Âu và rủi ro kiện tụng phát sinh từ sự phản đối của cộng đồng.

Tình hình hiện tại ở châu Âu đưa ra một lời cảnh báo rõ ràng về các rủi ro vật lý và hậu quả của những rủi ro này đối với con người và doanh nghiệp. 

Unilever đã phân tích rủi ro về nước và phát hiện ra rằng, việc sử dụng các dòng sản phẩm của công ty này để rửa bát, giặt quần áo và tắm rửa có thể tiêu tốn hơn 90% lượng nước sinh hoạt của một hộ gia đình. 

Nếu không đổi mới sản phẩm theo hướng tiết kiệm nước hơn, tình trạng khan hiếm nước có thể khiến công ty mất khoảng 300 triệu euro mỗi năm vào năm 2030.

Justin Winter, nhà quản lý chiến lược nước tại Impax Asset Management, cho biết: "Việc giải quyết cuộc khủng hoảng nước mở ra cơ hội kinh doanh lớn trong các lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng, giảm rò rỉ đến các biện pháp xử lý và tăng hiệu quả sử dụng nước". 

Tuy nhiên, ông Winter cũng cho biết thêm, mặc dù các doanh nghiệp đã tính toán các rủi ro khí hậu, kiến thức về nước cũng như phân tích rủi ro nước của các doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế.

Tác giả: Quỳnh Anh (dịch)

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1