Sông ngòi Tây Ban Nha ô nhiễm nặng vì thuốc trừ sâu

Nghiên cứu mới đây cho thấy các nguồn nước ở Tây Ban Nha đang bị ô nhiễm nặng bởi chất thải từ ngành công nghiệp hóa dầu và thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp, cho thấy lỗ hổng trong luật pháp của châu Âu.
 

Một nghiên cứu về ô nhiễm các chất hóa học ở sông ngòi và nước ngầm tại Tây Ban Nha do liên minh các nhóm sinh thái Tây Ban Nha thực hiện đã phân tích các sông hồ, hồ chứa, mạch nước ngầm và phát hiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên diện rộng do thuốc trừ sâu nông nghiệp. 

Hai trong số các loại thuốc trừ sâu là glyphosate diệt cỏ và chất gây rối loạn nội tiết, là những chất độc hủy hoại môi trường sống của động, thực vật cũng như ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người, dẫn đến ung thư và rối loạn phát triển.

Không chỉ một hóa chất

Tuy nhiên, những chất độc này không phải là những hóa chất duy nhất được tìm thấy trong các nguồn nước ở Tây Ban Nha, dấy lên lo ngại về sự nguy hiểm khi nhiều chất độc hại tương tác với nhau. 

Ông Koldo Hernandez, chuyên gia về chất độc hại của Tổ chức Ecologistas en Accion (Tạm dịch: Các nhà sinh thái học Hành động), cho biết: "Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nước mặt và nước ngầm do các chất độc hại từ nhiều nguồn khác nhau đã bộ lộ những lỗ hổng về pháp lý ở châu Âu nói chung và Tây Ban Nha nói riêng.

Tây Ban Nha: Sông ngòi ô nhiễm nặng vì thuốc trừ sâu - Ảnh 1.
Sông Guadalquivir ở Tây Ban Nha đang bị ô nhiễm do nhiều chất khác nhau. Ảnh: Wikimedia Commons.
 

Luật pháp hiện chưa xét đến 80% các loại thuốc trừ sâu đang được sử dụng, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính và Bộ Chuyển đổi Sinh thái Tây Ban Nha cũng chưa đưa ra các biện pháp giảm thiểu."

Ông Hernandez cũng cho rằng, Ủy ban Châu Âu cần phải đưa ra quy định đối với tất cả các chất này để đảm bảo không vượt quá nồng độ ngưỡng và giám sát những biện pháp cắt giảm chất độc hại của các quốc gia thành viên.

Vấn đề thuốc trừ sâu của châu Âu

Tây Ban Nha không phải là quốc gia duy nhất trong Liên minh châu Âu (EU) bị suy giảm đa dạng sinh học do ô nhiễm thuốc trừ sâu từ các hoạt động nông nghiệp. 

Ô nhiễm nước là một vấn đề phổ biến ở châu Âu: trên 60% các nguồn nước đều ô nhiễm hóa chất.

Một số nước châu Âu như Đức, Hy Lạp và Pháp đã cấm sử dụng glyphosate. Tuy nhiên, vẫn cần đưa vào luật của EU.

Sử dụng bền vững thuốc trừ sâu

Ủy ban Châu Âu đặt mục tiêu sửa đổi Chỉ thị Sử dụng Bền vững Thuốc trừ sâu nhằm phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh Châu Âu và tăng cường việc tuân thủ của các quốc gia thành viên.

Chỉ thị đưa ra một khung mới, hướng đến loại bỏ 100% thuốc trừ sâu độc hại vào năm 2030, cấm thuốc trừ sâu tổng hợp ở không gian công cộng và cho mục đích sử dụng cá nhân, đưa Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cấp cao trở thành yêu cầu bắt buộc để nhận trợ cấp nông nghiệp.

Bà Eva Corral, Cán bộ Chính sách Cấp cao về Thuốc trừ sâu và Ô nhiễm Nước tại Cục Môi trường châu Âu (European Environmental Bureau - EBB) cho biết: "Đã đến lúc đặt người dân và môi trường lên hàng đầu, ở cả Tây Ban Nha và châu Âu, đồng nghĩa với việc chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái và ngăn ngừa ô nhiễm thuốc trừ sâu tại nguồn."

Tác giả: Quỳnh Anh (dịch)
Nguồn: Water News Europe

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1