TP.Hà Nội tiết lộ công nghệ làm đường ống nước sông Đà... 60 ngày

Theo ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đường ống nước mới sẽ có sức chuyền tải cao, chịu được áp lực nước lớn...

Trước sự cố đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội liên tục vỡ ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống hàng chục nghìn hộ dân, TP.Hà Nội đã tuyên bố sẽ đầu tư khẩn cấp tuyến ống thứ hai chỉ trong 60 ngày để bảo đảm cấp nước ổn định cho nhân dân. 

Bộ Xây dựng công bố nguyên nhân vỡ đường ống nước sông Đà
 
Một trong những lần khắc phục sự ố vỡ ống nước Sông Đà

Ngay lập tức, kế hoạch xây dựng đường ống mới của TP.Hà Nội nhận được sự ủng hộ lớn của dư luận và người dân thủ đô. Tuy nhiên không ít lo ngại được đưa ra xung quanh kế hoạch này như chất lượng đường ống, nguồn kinh phí và đặc biệt là thời gian thi công… 60 ngày liệu có khả thi.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội (đơn vị được TP.Hà Nội giao trọng trách chủ đầu tư) cho biết: “Hiện Sở xây dựng cũng đã có phương án và triển khai thi công sớm nhất bằng mọi cách, đưa đường nước số 2 vào gánh một phần, truyền tải một phần cấp nước từ nhà máy nước sạch sông Đà về thành phố”.

Theo ông Dục, công nghệ đường ống được đưa ra có hai phương án là đường ống thép hoặc đường ống HDPE. Trong đó Sở Xây dựng đề xuất phương án sử dụng đường ống HDPE.

Đường ống HDPE có khả năng chống ăn mòn chất lượng cao và hữu ích cho ngành công nghiệp sử dụng trong hệ thống ống nước. 

Công nghệ đường ống nước HDPE được chế tạo ra từ polyethylene mật độ cao, có khả năng kháng khuẩn, sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới và được chứng minh được đây là loại ống nước bền hơn so với những loại ống nước khác.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc lắp đặt đường ống nước mới sẽ được hoàn thành trong vòng 70 đến 80 ngày kể từ ngày khởi công. Sau khi đưa vào hoạt động sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho một đơn vị chuyên nghiệp khai thác quản lý, mua nước từ đầu ống dẫn nước của Vinaconex.

Kinh phí dự án này khoảng 1.000 tỷ đồng sẽ được TP.Hà Nội huy động từ nhiều nguồn như quỹ đầu tư phát triển thành phố, nguồn vốn vay, nguồn vốn ngân sách...

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi đường ống mới được xây dựng, TP Hà Nội chỉ mua nước của Vinaconex từ khu vực đường 21 thay vì từ đường vành đai 3 như trước đây. Trách nhiệm Vinaconex phải tiếp tục sửa chữa giảm áp lực cho đường ống nước số 1 để tránh tình trạng thường xuyên xảy ra vỡ. 

Sau khi đã truyền tải một phần công suất sang tuyến mới, tuyến cũ sẽ giảm tải, dự kiến sẽ ít bị vỡ hơn. Đồng thời Vinaconex phải đầu tư ngay tuyến đường ống số 2 có thể tải được toàn bộ công suất giai đoạn 2 sau khi mở rộng 3.000m3/ngày.

Đặt vấn đề vì sao Vinaconex được chọn là đơn vị thi công đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời điểm năm 2007 lựa chọn nhà đầu tư theo hướng huy động nguồn vốn xã hội hóa, giảm áp lực nhà nước để đầu tư. Lúc này Vinaconex đứng ra xin Chính phủ và Bộ Xây dựng xây dựng nhà máy nước, hệ thống ống nước. Thực tế sau khi hoàn thành cho thấy, nhà máy nước Vinaconex hoạt động tốt, duy chỉ có đường ống nước có vấn đề. 

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc Chính phủ và Bộ Xây dựng giao Vinaconex làm chủ đầu tư đã thực hiện được việc huy động vốn từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, nguồn vốn xã hội hóa.

Hồng Minh
Giaoduc.net
 

Bài viết cùng chuyên mục