Công viên - Bảo tàng nước Vạn Niên Điểm nhấn cho Huế - Thành phố du lịch “sạch” ASEAN

Với tuổi đời gần 115 năm, Nhà máy nước Vạn Niên, công trình công nghiệp mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật sẽ trở thành Công viên - Bảo tàng nước đầu tiên tại Việt Nam, tạo điểm nhấn cho du khách khi tham quan Cố đô di sản.
 

Công trình công nghiệp mang dấu ấn lịch sử

Cùng với các công trình mang dấu ấn lịch sử như Trường Quốc học, chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền… nhà máy nước Huế ra đời gắn liền với sự hình thành và phát triển của đô thị Huế, một trong những trung tâm chính trị quan trọng nhất ở Trung Kỳ lúc bấy giờ.

Nhà máy nước Vạn Niên nằm ở tả ngạn thượng nguồn sông Hương do kiến trúc sư Bossard thiết kế. Với tất cả tình yêu và tâm hồn dành cho xứ Huế thơ mộng, vị kiến trúc sư người Pháp đã thiết kế nhà máy nước Vạn Niên, nhà máy nước đầu tiên ở Trung Kỳ hoàn toàn mang vóc dáng của một ngôi chùa nhỏ phương Đông.
 

Công viên - Bảo tàng nước Vạn Niên Điểm nhấn cho Thành phố Huế - Thành phố du lịch “sạch” ASEAN  - Ảnh 1.
Phối cảnh Công viên - Bảo tàng nước Vạn Niên
 

Công trình với 5 trụ biểu, mái ngói âm dương và các đầu hồi uốn cong. Chính điều ấy đã làm cho toàn bộ công trình kiến trúc của một nhà máy công nghiệp nằm hài hòa cùng với cảnh quan thơ mộng của vùng thượng lưu sông Hương.

Với nhiệm vụ quan trọng là cung cấp nguồn nước cho thành phố Huế, nhà máy nước Vạn Niên có vẻ đẹp mang “kiến trúc phương Đông, kỹ thuật phương Tây”, đây là một điểm đến lý tưởng cho du khách tham quan khi đến Huế.

Trong sách Hướng dẫn du lịch Việt Nam (Guide L&;Annam) có viết: “Nếu không có nhiều thời gian, sau khi tham quan Lăng Tự Đức và Đồng Khánh, du khách nên thăm ngay nhà máy nước, công trình được xây dựng để chuyển về Huế nguồn nước sạch. nhà máy nước Huế hấp dẫn vì nó đã được kiến trúc sư Bossard thiết kế mang bản sắc thuần Việt”.

Hướng đến xây dựng Công viên - Bảo tàng nước đầu tiên tại Việt Nam

Năm 2004, nhà máy nước Vạn Niên được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ đây, lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWACO) ấp ủ ý tưởng, kế hoạch xây dựng một bảo tàng nước tại nhà máy này. Thông qua các mối quan hệ hợp tác quốc tế, HueWACO đã sưu tập nhiều tư liệu, hiện vật quý liên quan đến nhà máy nước Vạn Niên được lưu giữ tại Pháp.

Năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 110 năm thành lập, HueWACO đã trưng bày triển lãm bộ ảnh tư liệu gồm 110 bức ảnh, trong đó, đã công bố bản vẽ thiết kế về công trình nhà máy nước này cùng nhiều tài liệu liên quan. Đây là những tài liệu quý được tìm thấy tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Airx-en - Provence ở Pháp và công ty đã quyết định đầu tư kinh phí để sao chụp các tư liệu này đưa về Huế phục vụ cho công tác trưng bày.
 

Công viên - Bảo tàng nước Vạn Niên Điểm nhấn cho Thành phố Huế - Thành phố du lịch “sạch” ASEAN  - Ảnh 2.
Trạm bơm cấp 1 - Vạn Niên (Nhà máy Vạn Niên 1) đã tồn tại cùng đô thị Huế từ năm 1909
 

Ông Lê Quang Minh, Chủ tịch HĐQT HueWACO cho biết, năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên (Nhà máy Vạn Niên 3) công suất 120.000 m3/ngày đêm (Giai đoạn 1: 60.000 m3/ngày đêm), trong đó có hạng mục công viên - bảo tàng nước.

Từ ý tưởng ban đầu cùng với những tư liệu, hiện vật quý giá về ngành nước thu thập được, HueWACO đã xây dựng đề án thành lập công viên - bảo tàng nước tại nhà máy nước Vạn Niên.

Theo đó, HueWACO sẽ phân thành hai hạng mục là công viên và bảo tàng. Đối với khu vực công viên, sẽ quy hoạch Đồi Hoàng Mai với khoảng hơn 400 cây mai cùng các cây bản địa khác phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng tại Huế và theo Đề án “Huế - thành phố bốn mùa hoa” của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đối với hạng mục bảo tàng, sẽ chia thành khu vực trưng bày trong nhà theo các chủ đề và khuôn viên ngoài trời sẽ trưng bày những hiện vật, thiết bị… mà HueWACO đã dày công tìm kiếm, lưu giữ hơn 1 thế kỷ qua.

“Chúng tôi hướng đến không chỉ xây dựng Công viên - Bảo tàng Vạn Niên mà sẽ là quần thể bảo tàng nước bao gồm tổ hợp các nhà máy gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của công ty. Đây sẽ là điểm đến cho du khách khi đến Huế - Thành phố du lịch “sạch” ASEAN, tạo thành khu vực cảnh quan di sản sông Hương, Lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh. Đồng thời, là điểm giáo dục cộng đồng giúp người dân, đặc biệt là các em học sinh nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước quý giá”, ông Lê Quang Minh thông tin thêm.

Tác giả: Phong Thu

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1