Giải mã bí ẩn “hồ đi bộ” ở Caribe

Hồ Pitch ở Trinidad miền Nam Caribe, nơi có trữ lượng nhựa đường tự nhiên lớn nhất thế giới, thu hút khoảng 20.000 du khách mỗi năm đến... đi bộ trên mặt hồ.
Giải mã bí ẩn “hồ đi bộ” ở Caribe - Ảnh 1.
 

Hồ Pitch, ban đầu được gọi là "piche" có nghĩa là "hắc ín", nằm ở làng La Brea, phía tây nam quốc đảo Trinidad và Tobago. Hồ có diện tích 40 ha, tương đương 56 sân bóng đá chuyên nghiệp, lòng hồ sâu 75 m, ước tính trữ lượng nhựa đường tới 10 triệu tấn.

Nhiều ý kiến cho rằng hồ Pitch được tạo ra khi rìa các mảng lục địa Caribe chèn ép lên nhau, dẫn đến việc cặn dầu từ sâu trong lòng đất được đẩy lên bề mặt. Sau đó, các thành phần lỏng nhẹ hơn từ từ bay hơi, chỉ còn lại thành phần nặng hơn là nhựa đường, một hỗn hợp của nước, khí, dầu và cát.

Giải mã bí ẩn “hồ đi bộ” ở Caribe - Ảnh 2.
 

Nhìn bề ngoài, mặt hồ Pitch tựa như một dải nhựa đường, hay một bãi đỗ xe khổng lồ. Tuy nhiên, bên dưới mặt hồ tưởng chừng tĩnh lặng, dòng nhựa đường vẫn đang được "khuấy" chậm tự nhiên.

Du khách có thể tận mắt chứng kiến chuyển động này, cùng nhiều loại cây thời tiền sử và vật thể tưởng chừng đã biến mất trên Trái Đất, chẳng hạn như mảnh gốm cổ địa phương, hóa thạch của một con voi răng mấu hay một con lười khổng lồ thời tiền sử.

Mặt hồ Pitch có độ cứng vừa phải – có thể dạo bước bên trên một cách an toàn mà không bị đau chân. Vào mùa mưa, người dân ở đây thường lội qua những vũng nước giàu lưu huỳnh hình thành tự nhiên trên mặt hồ, được cho là có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, du khách khi đến đây vẫn cần cẩn thận với những khu vực hắc ín nóng và mềm để tránh bị sụt lún.

Giải mã bí ẩn “hồ đi bộ” ở Caribe - Ảnh 3.
 

Truyền thuyết địa phương kể rằng, Callifaria, con gái của một tù trưởng bộ lạc địa phương đã trốn cha để đến gặp người yêu, Kasaka, vị hoàng tử của bộ tộc đối đầu Cumana. Cha của cô, Callisuna, đã tấn công người Cumanas, đòi lại con gái của mình và trói cô vào một con ngựa đưa về nhà. Điều này khiến cho vị thần Arawak có cánh Pimlontas nổi giận. Ngài đã chôn vùi toàn bộ ngôi làng vào lòng đất, sau đó phủ lên bằng "piche". 

Ngoài ra, cũng có truyền thuyết rằng người da đỏ Chima, những người từng sinh sống ở La Brea, đã ăn mừng chiến thắng bằng một bữa tiệc chim ruồi và sử dụng lông chim để trang trí mà quên rằng chim ruồi là linh hồn của tổ tiên họ. Để trừng phạt người Chima, vị thần có cánh đã mở cửa lòng đất và nuốt chửng toàn bộ ngôi làng trong một hồ nhựa đường.

Giải mã bí ẩn “hồ đi bộ” ở Caribe - Ảnh 4.

Không chỉ là một địa điểm du lịch, hồ Pitch còn là trung tâm của một ngành công nghiệp đang bùng nổ. Nhựa đường thô trên bề mặt được khai thác rồi chuyển đến một nhà máy lọc dầu gần đó, sau đó xuất khẩu ra toàn thế giới. 

Nhựa đường ở hồ Pitch có chất lượng tốt, gây ấn tượng mạnh mẽ với nhà thám hiểm người Anh, Sir Walter Raleigh, người được coi là đã khám phá hồ vào năm 1595. Ban đầu, ông sử dụng nhựa đường để niêm phong tàu và nhận ra, nhựa đường Trinidadian có độ bền cao ngay cả dưới tác động của nhiệt độ và ánh sáng mặt trời. Thậm chí, Raleigh cho rằng loại nhựa đường này tốt hơn so với nhựa đường Na Uy mà ông đang sử dụng.

Giải mã bí ẩn “hồ đi bộ” ở Caribe - Ảnh 5.

Tuy nhiên, đây không phải là một tài nguyên vô tận. Với tốc độ khai thác hiện tại, chỉ trong 400 năm nữa, nhựa đường ở hồ Pitch sẽ cạn kiệt.

Tác giả: Hồng Anh (dịch)

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1