Giữ “trái tim” không lỗi nhịp

Qua 55 năm hoạt động và phát triển, Nhà máy nước Thủ Đức đã trở thành niềm tự hào, đơn vị chủ lực đảm bảo nguồn nước sạch đưa đến người dân trên địa bàn TPHCM. Để giữ “trái tim” không lỗi nhịp trong ngần ấy thời gian, tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động nơi đây đã nỗ lực không ngừng nghỉ, đoàn kết, sáng tạo để vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn.

Xứng danh cánh chim đầu đàn

Với nhiệm vụ chính là bơm nước từ sông Đồng Nai về nhà máy tại Thủ Đức để xử lý thành nước sạch đạt tiêu chuẩn, từ đó phân phối đến người dân trên địa bàn TPHCM.
Giữ ‘trái tim‘ không lỗi nhịp  ảnh 1
Dòng chảy từ Nhà máy nước Thủ Đức đến nhà dân luôn đảm bảo chất lượng cao

 
Thoạt nghe thật đơn giản, nhưng để thực hiện thì đó là cả một quy trình vô cùng phức tạp. Đặc biệt là sự đòi hỏi khắt khe nguồn nước đầu ra chất lượng cao như hiện nay, trong khi nước từ nguồn đầu vào có nguy cơ ô nhiễm ngày càng khó lường. Tiền thân của Nhà máy nước Thủ Đức là Sở sản xuất nước sông Đồng Nai (chính thức hoạt động từ ngày 12-12-1966) với công suất tối đa là 450.000m³/ ngày.

Sang giai đoạn 1975-1982 khi nền kinh tế nước ta còn bao cấp, bị cấm vận nhiều mặt thì đơn vị quản lý nhà máy vẫn khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động nhà máy ổn định, thay thế hoàn chỉnh hệ thống bơm nước sông và hoàn tất công tác phủ than cho các bể lọc để nâng công suất nhà máy tăng lên khoảng 560.000m³/ngày. Sang giai đoạn 1982-1985, với nguồn vật tư sẵn có từ trước năm 1975, nhà máy đã thực hiện thay 6 bộ cánh bơm có công suất lớn hơn cho 6 bơm nước sông Hóa An, nâng công suất lên khoảng 650.000m³ /ngày.

Theo thời gian, do nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng nên ngành cấp nước tiếp tục cải tạo dây chuyền công nghệ hệ thống châm hóa chất, cải tạo bể lọc và nâng cấp trạm bơm nước sạch để nâng tổng công suất nhà máy lên 750.000m³/ngày đêm như hiện nay. Không chỉ vậy, để luôn đảm bảo cung cấp nước an toàn, liên tục, trong những năm qua Nhà máy nước Thủ Đức đã thực hiện nhiều đợt thay mới máy móc thiết bị chính. Đó là thay mới 3 máy biến thế 5.000 kVA ở trạm bơm Hóa An; 2 máy biến thế 5.000 kVA ở Thủ Đức; thay mới 6 động cơ bơm nước sông ở Hóa An và 5 bơm nước lọc ở Thủ Đức; thay cánh bơm của 6 bơm nước sông Hóa An nâng cột áp lên 57m. Bên cạnh đó, công tác bảo trì máy móc thiết bị, tu bổ, bảo dưỡng các công trình, đường ống được thực hiện thường xuyên. Trước năm 1995, sản lượng nước do nhà máy sản xuất chiếm hơn 92% lượng nước cung cấp cho TPHCM. Năm 2000, sản lượng nước cung cấp chiếm 77,44% lượng nước cung cấp cho toàn TPHCM. Khi Nhà máy nước BOO Thủ Đức (công suất 300.000m³/ngày) và Nhà máy nước Tân Hiệp (công suất 300.000m³ /ngày) được đưa vào hoạt động thì Nhà máy nước Thủ Đức giữ vai trò điều tiết sản lượng thích hợp để dần tiếp nhận sản lượng tăng thêm từ các nhà máy này. Mặc dù đã có thêm nguồn nước từ các nhà máy nước mới, nhưng hiện nay sản lượng nước sản xuất tại Nhà máy nước Thủ Đức vẫn là nguồn nước chủ lực cung cấp trên 50% nhu cầu cho sản xuất, đời sống của người dân TPHCM. Với sản lượng chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ lượng nước sản xuất và cung cấp trên địa bàn thành phố, cùng với sự hoạt động ổn định và tin cậy, nhà máy đã trở thành “trung tâm điều tiết” áp lực, sản lượng cho toàn bộ hệ thống cấp nước. Ngoài ra, nhà máy còn tham gia điều tiết giảm áp lực khi mạng lưới tiếp nhận nguồn nước mới và sẽ phát tăng dần khi mạng lưới ổn định. Nhà máy cũng phát bù sản lượng khi có bất kỳ nhà máy nào trong hệ thống gặp sự cố. Đây cũng là nơi điều tiết nhằm đảm bảo sản lượng tiêu thụ trên mạng lưới vào những giờ cao điểm và thấp điểm.

Thương hiệu nước máy trong lòng dân

Trong nhiều năm, Nhà máy nước Thủ Đức luôn dẫn đầu khi giữ vững và ổn định chất lượng nước. Bên cạnh sản lượng nước cấp đảm bảo các nhu cầu thiết yếu phục vụ xã hội thì chất lượng nước luôn ổn định, đạt các giá trị theo tiêu chuẩn.

Xác định kiểm soát chất lượng nước là nhiệm vụ quan trọng, vì vậy, từ năm 1997, nhà máy đã chủ động tìm nguồn nguyên vật liệu xử lý nước. Với mục đích tăng hiệu quả xử lý và nâng cao chất lượng sản phẩm nước sạch, đến cuối năm 2009 nhà máy đã thành công trong việc đưa chất keo tụ PAC thay thế phèn nhôm vào quy trình xử lý nước.
 
Giữ ‘trái tim‘ không lỗi nhịp  ảnh 2
Phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo luôn được cán bộ, công nhân viên nhà máy thực hiện

 
Để kiểm soát chất lượng nước chặt chẽ, sát với tình hình thực tế sản xuất của các đơn vị và yêu cầu phát triển ngành cấp nước, ngoài kiểm tra định kỳ hàng tháng các mẫu nước sông đầu vào, nước sạch đầu ra, nhà máy còn kiểm tra chất lượng nước trên mạng cung cấp.

Định kỳ hàng tháng kiểm tra chất lượng các mẫu nước được lấy ngẫu nhiên tại các điểm sử dụng nước máy của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco). Chính quy trình chặt chẽ đã giúp chất lượng nước từ nhà máy luôn ổn định, đạt quy chuẩn trong suốt thời gian qua. Từ đó đã tạo được uy tín thương hiệu “nước thủy cục”, “nước máy” trong lòng người dân thành phố.

Những năm gần đây, do biến động của môi trường cùng việc xả thải chưa qua xử lý của các nhà máy tại các khu công nghiệp đã làm cho chất lượng nước sông Đồng Nai ngày càng suy giảm và dần mất đi tính ổn định. Đây là khó khăn, thử thách lớn trong công tác xử lý nước của nhà máy. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước luôn được nhà máy xem là nhiệm vụ quan trọng nhất. Để chất lượng nước luôn đạt yêu cầu, nhà máy đã thực hiện chặt chẽ quy trình kiểm tra, giám sát qua từng công đoạn, theo dõi qua hệ thống đo chất lượng nước liên tục (online), thực hiện tốt kế hoạch cấp nước an toàn và hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015 với mục tiêu chung là cấp nước an toàn, chất lượng sản phẩm nước sạch đạt ở mức tốt nhất, vượt hơn yêu cầu của quy chuẩn của Bộ Y tế, tiêu chuẩn quy định để có thể uống trực tiếp tại vòi.

Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ hiện đại, đẩy mạnh sáng kiến cải tiến cũng được cán bộ công nhân viên nhà máy tích cực thực hiện. Trong những năm qua, nhiều dự án của nhà máy đã được áp dụng công nghệ mới, mang lại hiệu quả nhất định. Cụ thể, có thể kể đến dự án lắp đặt biến tần (cho động cơ công suất 1500kW/máy) cho 2 bơm nước sạch về TPHCM. Việc lắp đặt mới biến tần làm tăng khả năng điều tiết mạng lưới, chống thất thoát nước và tiết kiệm điện năng trong hoạt động.

Ngoài ra, dự án lắp đặt hệ thống đo chất lượng liên tục (online) tại các công đoạn xử lý từ nguồn nước sông đến khi bơm nước ra khỏi nhà máy hòa vào mạng lưới đã giúp hiệu quả giám sát được liên tục. Chất lượng nước được kiểm soát qua từng công đoạn, từ đó phát hiện kịp thời các biến động về chất lượng nước để kịp thời xử lý. Đặc biệt, dự án lắp đặt hệ thống SCADA tại nhà máy đã giúp công tác giám sát, vận hành thiết bị từ xa, nâng cao năng suất lao động tiến tới tự động hóa. Không chỉ đi đầu trong thay đổi, điều chỉnh công nghệ sản xuất, nhà máy còn dẫn đầu toàn ngành trong phong trào nghiên cứu, ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật và thực hành tiết kiệm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Trong những năm qua, Nhà máy nước Thủ Đức đã chiếm 60% tổng số sáng kiến của toàn ngành cấp nước TPHCM và là đơn vị luôn dẫn đầu phong trào sáng kiến, cải tiến. Cụ thể, trong 10 năm qua, nhà máy có 42 sáng kiến, cải tiến làm lợi hơn 13 tỷ đồng cho đơn vị. Ngoài giá trị làm lợi tính được như trên, những sáng kiến kịp thời của cán bộ công nhân viên còn giúp nhà máy đảm bảo hoạt động liên tục, công tác sửa chữa được rút ngắn. Từ đó, giúp dòng chảy từ nhà máy đến nhà dân luôn liên tục và đảm bảo chất lượng cao.

Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, thời gian qua, Nhà máy nước Thủ Đức đã luôn đi đầu trong cải tạo, nâng cấp, áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin trong sản xuất nước để tăng sản lượng, đồng thời nâng cao chất lượng nước. Không đơn thuần giữ vai trò điều tiết toàn bộ hệ thống cấp nước cho TPHCM có dân số trên 10 triệu người, Nhà máy nước Thủ Đức còn là cái nôi của ngành cấp nước chuyên đào tạo để cho ra đời những người thợ, kỹ sư chuyên ngành cấp nước và là đầu mối giao lưu hợp tác, nghiên cứu giữa ngành cấp nước trong và ngoài nước.

Phương Thảo/Báo SGGP

Bài viết cùng chuyên mục