Cổ phần hoá - Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp ngành nước

Nước sạch được coi là sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống, các công ty cấp nước đang sản xuất và kinh doanh một sản phẩm độc quyền mặc nhiên, lại ít có sự cạnh tranh và đào thải đã dẫn đến ngành nước chậm thay đổi, trước đây thường bị xếp vào nhóm những ngành nghề kém áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, cùng với xu thế mở cửa và chính sách cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước thì ngành nước cũng không nằm ngoài quy luật phải thay đổi để phát triển.  

co-phan-hoa-nganh-nuoc
Ảnh minh hoạ: HaTham

Cổ phần hóa chắc chắn sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khi mà việc minh bạch thông tin, áp lực của các cổ đông và của nhóm cổ đông lớn, đặc biệt là những cổ đông đã có kinh nghiệm quản lý đến từ những ngành nghề năng động, sẽ buộc các công ty phải thay đổi, phải cân nhắc để đề ra một chiến lược về quản trị và kinh doanh thích hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng với các thách thức. 

CƠ HỘI

Khi tiến hành cổ phần hóa, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội nâng cao tính chủ động của mình trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, tái cơ cấu tổ chức, chế độ đãi ngộ người lao động, đào tạo, tuyển chọn nhân sự, v.v.

•  Về đầu tư: Công ty cổ phần có thể huy động nguồn vốn từ nhiều kênh khác nhau, các dự án đầu tư được chủ động thực hiện, không bị phụ thuộc vào nguồn vốn vay. Các thủ tục tiến hành xin phép đầu tư, đấu thầu thực hiện dự án đơn giản hơn so với các doanh nghiệp Nhà nước.

•  Về cơ cấu tổ chức và chế độ đãi ngộ cho người lao động : Doanh nghiệp được chủ động sắp xếp cơ cấu tổ chức sao cho hiệu quả. Bộ máy quản lý điều hành, sản xuất, dịch vụ sẽ được tinh giản, gọn nhẹ. Phương pháp trả lương được thay đổi, lương được trả dựa trên chất lượng và kết quả công việc, người lao động được đãi ngộ và trả lương xứng đáng sẽ tạo động lực rất lớn để làm việc năng suất và hiệu quả. 

• Về phương pháp quản trị và nguồn nhân lực : Cổ phần hóa tạo bước ngoặt để doanh nghiệp được thay đổi lề thói quản trị cũ, sang phương thức quản trị tiến bộ hơn với sức ép của cổ đông.  Doanh nghiệp có cơ hội tiếp nhận nguồn nhân lực cao cấp và phương pháp quản trị hiện đại đến từ các cổ đông chiến lược và cổ đông ngoài.

THÁCH THỨC

•  Thách thức lớn khi chuyển sang cổ phần hóa là việc thay đổi chủ sở hữu, kéo theo việc thay đổi người quản lý hoặc bộ máy quản lý doanh nghiệp. Người quản lý và người lao động của doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa, những người đã gắn bó nhiều công sức và tâm huyết có thể nhanh chóng bị mất việc, hoặc điều chuyển sang những công việc không phù hợp. Do đó, các doanh nghiệp lo ngại nhất là không biết người chủ thật sự có quyền quyết định doanh nghiệp khi cổ phần hóa sẽ có chiến lược quản trị và sử dụng con người như thế nào. Nếu chiến lược đầu tư phù hợp và lâu dài, hiểu nghề,  quản trị tốt sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động và ngược lại.

•  Thách thức đến với bộ máy quản trị cũ, quen nề nếp làm việc theo kiểu ít nhiều mang tính bao cấp, không thích ứng kịp với yêu cầu phải đổi mới công nghệ, đổi mới tư duy và phương pháp làm việc của chủ sở hữu mới là những người đang quản trị những ngành nghề khác năng động hơn trong xã hội.  

•  Thách thức đến từ việc buộc phải xây dựng chính sách giải quyết lao động dôi dư khi tái cơ cấu doanh nghiệp, đây là thách thức lớn với hầu hết các DN thiếu cạnh tranh trong hiệu quả làm việc, không có sự đào thải và sử dụng rất nhiều lao động do trước đây ít áp dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất.

•  Thách thức từ áp lực của các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông lớn mong muốn doanh nghiệp phải có kết quả kinh doanh được cải thiện nhanh chóng, trong khi sự chuyển biến của hoạt động kinh doanh ngành nước cần có thời gian với sự đầu tư về nguồn lực vật chất và con người phù hợp.  

KẾT LUẬN

Sau khi cổ phần hóa, dù ai là chủ doanh nghiệp cũng luôn cần một bộ máy hoạt động hiệu quả và minh bạch, cần một doanh nghiệp được quản lý và vận hành hiện đại với chất lượng dịch vụ tốt. Do đó, để giải quyết các thách thức đã đề cập trên, cần từng bước chủ động thiết lập một hệ thống quản trị rõ ràng, hiệu quả để nhà đầu tư yên tâm;  một dịch vụ mang đến sự hài lòng để nhận được sự ủng hộ của khách hàng, cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương. Phân bố hài hòa lợi ích của cổ đông và người lao động trên cơ sở phát triển doanh nghiệp ổn định và bền vững.

Ngày nay, với sự hỗ trợ về thông tin, khoa học kỹ thuật công nghệ và kinh nghiệm quản lý sản xuất của các công ty trong và ngoài hội, mọi vấn đề đều sớm có cách giải quyết. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần cùng nhau thay đổi tư duy quản lý, thay đổi nếp làm việc cũ để có thể nhanh chóng tiếp cận với phương pháp quản trị lao động tiên tiến, phương thức dịch vụ khách hàng hiện đại, phương thức đầu tư hiệu quả. Có như vậy, ngành nước mới nhanh chóng phát triển, không còn là ngành bị đánh giá chậm và yếu trong chuỗi dịch vụ như hiện nay. /. 
 
Nguồn: Bài tham luận của ông Đinh Chí Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu
tại Đại hội Hội Cấp thoát nước Việt Nam lần thứ VI (28.11.2020)

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1