Phát huy hiệu quả công trình cấp nước sạch ven biển: Khai thác gắn với bảo vệ nguồn nước

Biến đổi khí hậu trong những năm gần đây ngày càng cực đoan, làm cho tình trạng xâm nhập mặn, nhiễm phèn nguồn nước ở các xã ven biển của Quảng Ngãi ngày càng nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh Quảng Ngĩa đã đầu tư nâng cấp và xây dựng các công trình nước sạch tại các xã ven biển như: xã Đức Thắng, , xã Bình Hải (Bình Sơn), Tịnh Hòa, Nghĩa Phú, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), Bình Chánh (Bình Sơn)... Tất cả các công trình này đều đang phát huy hiệu quả,kịp thời đáp ứng nguồn nước sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Điển hình trong số đó là công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Đức Thắng (Mộ Đức), có công suất 500m3/ngày đêm. Được xây dựng từ năm 2009, đến nay song công trình hiện vẫn đảm bảo cung cấp nước thường xuyên cho hơn 700 hộ dân. Nhờ có nguồn nước sạch mà hơn chục năm qua, người dân nơi đây đã an tâm hơn trong sử dụng nước sinh hoạt hằng ngày. 

"Ở đây gần biển nên các giếng nước đều bị nhiễm phèn, không sử dụng được. Cũng nhờ có công trình nước sạch mà hơn 10 năm nay, mùa nắng cũng như mùa mưa chỉ cần mở van là chúng tôi có nước dùng thoải mái, không phải lo lắng gì cả”, ông Lê Thu, ở thôn Mỹ Khánh, xã Đức Thắng chia sẻ:

Gia đình ông Lê Thu ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) an tâm sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước sinh hoạt.
Gia đình ông Lê Thu ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) an tâm sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước sinh hoạt. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Theo Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, tại các khu vực nông thôn, ven biển nguồn nước dễ bị ô nhiễm bởi chuồng trại chăn nuôi, thuốc trừ sâu và việc xả thải của một số cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, đối với các khu vực có trạm cấp nước (giếng nước), Trung tâm đều làm việc với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để xác định ranh giới vùng bảo hộ nguồn nước, tổ chức cắm mốc quanh khu vực giếng theo quy định để hạn chế tối đa ô nhiễm nguồn nước; đồng thời lên kế hoạch cụ thể trong quá trình khai thác nguồn nước. Các giếng nước đều được khai thác với công suất nhỏ và hoạt động luân phiên, đảm bảo thời gian phục hồi của nguồn nước, nhằm hạn chế tối đa cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước.

Mặt khác, để dự phòng và phát triển nguồn nước khai thác lâu dài, đối với các khu vực có nguồn nước ngầm khan hiếm, Trung tâm sẽ khảo sát tìm kiếm nguồn nước mặt có trữ lượng dồi dào, đảm bảo về chất lượng để khai thác nhằm bổ sung, thay thế nguồn nước cạn kiệt.

Hiện tại, nguồn nước thô cấp cho các trạm cấp nước đều là nước ngầm và đều được kiểm tra định kỳ trước khi đưa vào hệ thống xử lý. Qua kết quả kiểm nghiệm các mẫu nước của các trạm nước, các chỉ tiêu như vi sinh, hàm lượng cặn, độ đục, kim loại... đều nằm trong giới hạn cho phép. Nguồn nước thô sau khi xử lý được khử trùng bằng hóa chất là Chlorine 70% dạng bột. Chất lượng nước sau khi xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02: 2009/BYT). Do đó, các nguy cơ về mặt hóa học, lý học và sinh học theo quy trình công nghệ là không có.

Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Lê Văn Minh cho biết: Để phát huy hiệu quả sau đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn, mỗi trạm cấp nước đều có cán bộ kỹ thuật quản lý vững chuyên môn, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố. Hằng năm, đơn vị đều chủ động lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế mạng lưới đường ống cũ không đảm bảo cấp nước an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, các cấp, ngành, địa phương cần tuyên truyền sâu rộng tới người dân về lợi ích sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, trong thời điểm nắng hạn cần sử dụng nước tiết kiệm, không vứt rác bừa bãi quanh khu vực cấp nước...
PV (t/h)

Bài viết cùng chuyên mục