Phú Yên: Những giếng nước khơi nguồn yêu thương

Thời gian qua, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là ở 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân. Chương trình “Giếng khơi nguồn yêu thương” đã làm dịu cơn khát cho một số vùng nắng hạn từ nguồn vận động của anh chị em Nhóm thiện nguyện Nụ cười hạnh phúc (huyện Tây Hòa).

Có mặt tại buôn Ma Nhe (xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa) dưới nắng hè chói chang, chúng tôi vui mừng bởi một giếng nước vừa mới đào xong, máy bơm nước chạy ro ro hút đầy bể chứa. Ông Sô Y Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi, phấn khởi cho biết, hơn 2 tháng nay, 30 hộ dân đồng bào Chăm của buôn phải mang can nhựa đi hơn 2 cây số đến gần đập thủy lợi để lấy nước về sinh hoạt. "Thời gian qua rất vất vả. Hôm nay, ngay tại buôn, nước được hút lên từ giếng mát lạnh, gần nhà, nên ai cũng vui”, ông Y Hải nói.

Ông Ma Nguyện đang hứng xô nước đầy, vui vẻ nói: "Bà con buôn làng mừng không thể tả hết, có nước rồi, ai cần thì ra mở vòi là có nước về sử dụng. Từ nay không còn cảnh phải xếp hàng, rồi ngồi chờ nước rỉ ra từ mạch để mang về nhà; ngày lấy 2 can, có tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ ăn uống. Giờ nước mát có ngay tại buôn, bà con ưng cái bụng lắm. Chúng tôi cảm ơn các nhà hảo tâm đã giúp đỡ”.
 

Ông Sô Y Hải (thứ 2, từ trái qua) và các nhà hảo tâm bên giếng nước hỗ trợ tại buôn Ma Nhe, xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa). Ảnh: MỸ KIM
 

Chúng tôi về buôn Ma Thìn cũng ở xã này, thấy người lớn cùng các cháu nhỏ đang quây quần bên bi nước đầy với vẻ mặt thích thú. Nhìn dòng nước mát được bơm lên từ giếng sâu, ai nấy đều trầm trồ. Cháu Y Ngan phấn khích nói: Có nước về, chúng con được tắm mát sướng lắm!”. Theo ông Sô Y Hải, khu vực bà con sinh sống khan hiếm nguồn nước, nhiều lần đào giếng để tìm nguồn nước nhưng không được do địa chất tầng đá dày và chi phí rất cao. Có khi đào được nửa chừng rồi phải bỏ rất tốn kém, trong khi kinh phí địa phương còn hạn hẹp. Nay có nhóm thiện nguyện hỗ trợ 70 triệu đồng, xã Cà Lúi đầu tư 2 hệ thống nước, gồm giếng đào, máy bơm và bể chứa cho 2 buôn Ma Nhe, Ma Thìn; đủ cung cấp nước sinh hoạt cho 60 hộ dân 2 buôn này.

Còn tại buôn Gia Trụ, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa), nhóm cũng đã hỗ trợ 34 triệu đồng cho địa phương để đào 1 giếng nước. Ông Sô Minh Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân, nói rằng có giếng nước mát này sẽ làm dịu cơn khát cho 70 hộ dân người đồng bào trong buôn. Địa phương rất trân trọng, biết ơn sự giúp đỡ ân tình của Nhóm thiện nguyện Nụ cười hạnh phúc.

Chia tay với bà con 2 xã vùng cao Cà Lúi, Phước Tân, đoàn chúng tôi về buôn Đức Mùi (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) chung vui với đồng bào Ê Đê, vì từ nay 40 hộ dân nơi đây có nước ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Mí Huyền bộc bạch: Hơn tháng nay, mỗi nhà phải cử người xuống khe suối múc nước chở về sử dụng. Đoạn đường từ nhà đến suối hơn 2 cây số, mỗi ngày phải đi 2 lần rất vất vả. Nguồn nước cũng gần cạn kiệt vì nắng nóng mà người lấy thì đông, nên phải đợi rất lâu...
 
Trong khi đó, ông Ma Nhuận phân trần: "Nước giếng nhà mình cạn 4 tuần nay rồi. Cha con mình xuống đào sâu thêm một chút, có thêm ít nước, múc đầy một cái thùng nhỏ thì cạn tiếp. Hiện nay, xã đào giếng sâu có mạch nước mát cho mọi người ăn uống, sinh hoạt. Chúng tôi không còn lo lắng dù mùa nắng nóng còn dài”. Ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Trol, bày tỏ: "Thời gian qua, bà con phải đi lấy nước sông, nước suối xa hàng cây số về sử dụng rất vất vả. Ngay trong thời điểm nắng nóng này, giữa buôn có giếng nước phục vụ bà con, địa phương rất biết ơn các tấm lòng hảo tâm”.
 
Theo ông Trần Văn Mênh, Trưởng Nhóm thiện nguyện Nụ cười hạnh phúc, trong 2 tháng nắng nóng cao điểm năm nay, nhóm đã vận động hơn 200 triệu đồng từ các mạnh thường quân gần xa để hỗ trợ đào, khoan 8 giếng nước cho một số địa phương, gia đình nghèo đang thiếu nước sinh hoạt. Đó là các xã Cà Lúi, Phước Tân (huyện Sơn Hòa); Ea Trol (huyện Sông Hinh); Hòa Đồng, thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa); Hòa Định Tây, Hòa Hội (huyện Phú Hòa). Trong đó, 6 giếng đào, trị giá từ 33-35 triệu đồng/giếng và 2 giếng khoan mỗi giếng 5 triệu đồng. 
 
"Mùa khô năm nay, nguy cơ thiếu nước tưới, nước sinh hoạt tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh rất cao. Nhằm giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt cho người dân, Phú Yên đã đưa ra phương án đầu tư đào, khoan 129 giếng, 52 túi dự trữ nước tại các vùng khô hạn, giúp bà con có nước sinh hoạt, ổn định cuộc sống" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế.

Theo MINH HUY/baophuyen.com.vn

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1