Quảng Ninh: Triển khai nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai

Từ những bài học được đúc rút từ thực tiễn, trong mùa mưa bão năm nay, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai (PCTT), quyết tâm không để thiệt hại về người, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Dự báo trong năm 2020, do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO, nước ta sẽ xuất hiện một số hình thái thời tiết bất thường như: Bão, áp thấp nhiệt đới, dông lốc, rét đậm, mưa lớn diện rộng, hạn hán. Trong đó có khoảng 5-7 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Tại Quảng Ninh đã xuất hiện một số trận dông lốc trái mùa kèm theo mưa đá gây thiệt hại không nhỏ về hoa màu cho bà con nhân dân. Điều này cho thấy chúng ta không thể chủ quan với bất thường của thiên nhiên.

Với phương châm 4 tại chỗ, công tác PCTT đã được Quảng Ninh triển khai nhanh, nghiêm túc, chủ động kịp thời và đồng bộ, đảm bảo sát với từng thời điểm và thực tế địa bàn. Cùng với việc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn, tỉnh cũng ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với thiên tai một cách kịp thời, cụ thể.

Trước mọi tình huống, tỉnh đều lường trước, đánh giá sát tình hình, thành lập các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn ráo riết kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ công tác phòng chống, ứng phó và tiếp cận địa bàn bị ảnh hưởng thiệt hại do thiên tai gây ra; kịp thời nắm bắt tình huống và chỉ đạo phù hợp. Đặc biệt chú trọng công tác sơ tán, đảm bảo an toàn nhân dân tại các vùng xung yếu, vùng trũng thấp ven sông, ven biển và chân các bãi thải mỏ, các khu vực có nguy cơ bị sạt lở. Việc tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm phòng tránh, ứng phó với các dạng thiên tai cho người dân cũng được triển khai hiệu quả... Nhờ vậy thiệt hại đã được giảm thiểu.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành, địa phương đã quyết liệt vào cuộc phòng chống, ứng phó với thiên tai với quyết tâm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Sở NN&PTNT, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh đã duy trì công tác trực ban, thông báo tình hình thời tiết, thiên tai; kịp thời tổng hợp báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo, điều hành phòng chống và ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai. Lực lượng vũ trang, nòng cốt là Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện tham gia PCTT và thực hiện cứu nạn, cứu hộ; phát các bản tin trong các cơn bão hướng dẫn các ngư dân, tàu thuyền, lồng bè biết, về nơi trú tránh.

Lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống thiên tai.
Lực lượng chức năng TP Cẩm Phả tuyên truyền, hướng dẫn tàu thuyền trên vịnh Bái Tử Long về nơi tránh trú bão.


Để chuẩn bị đối phó với mưa bão năm nay, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư gần 1.000 tỷ đồng kết hợp từ các nguồn để nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng PCTT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 425 tỷ đồng sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi; 173 tỷ đồng tu bổ, nâng cấp đê điều; 168 tỷ đồng xây dựng các khu neo đậu trú bão cho tàu cá; còn lại là các công trình khác. Đến nay, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành và đi vào sử dụng, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân. Điển hình như các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê Đồng Rui (Tiên Yên); dự án nâng cấp đê Hà Nam (Quảng Yên); dự án cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập tại khu vực Đèo Bụt (Cẩm Phả)...

Đê Hà Nam (Quảng Yên)
Đê Hà Nam (Quảng Yên) được cứng hóa toàn bộ với chiều dài toàn tuyến gần 34km, là tuyến đê dài nhất tỉnh hiện nay.

Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho biết: Theo dự báo, tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, công tác PCTT&TKCN của tỉnh đã và đang được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng từ phương án, phương tiện, thiết bị, lực lượng. Để công tác phòng chống thiên tai thực sự hiệu quả, giảm bớt những thiệt hại về người và tài sản đòi hỏi các địa phương và người dân cần chủ động nắm bắt thông tin thời tiết, chuẩn bị các phương án phòng tránh, trong đó lấy phòng là chính, chủ động đảm bảo an toàn trước tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Theo Lê Nam/Báo Quảng Ninh

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1