ĐBSCL: Có khoảng 96 nghìn hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt

Ngày 27-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị “Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp tổng thể cấp nước nông thôn cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì hội nghị.
 
Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 96 nghìn hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt
Quang cảnh hội nghị.
 
ĐBSCL hiện có khoảng 13 triệu người dân sống ở khu vực nông thôn. Đến nay đã có 98% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 55% nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, trong đó khoảng 8 triệu người (chiếm 61%) được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung (3.853 công trình); 5 triệu người (39%) sử dụng nước quy mô hộ gia đình (giếng đào, giếng khoan, lu, bể, dụng cụ trữ nước...). Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan của khí hậu, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020, có khoảng 167 công trình cấp nước tập trung bị sụt giảm công suất, thậm chí có những công trình ngừng hoạt động, khiến việc cung cấp nước cho người dân gặp nhiều khó khăn. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 96 nghìn hộ dân (tương đương 430 nghìn người) đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Để ứng phó với tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với thiên tai và đa dạng các giải pháp cấp nước sạch nông thôn hiệu quả. Đi đôi với đó là bảo đảm chất lượng nguồn nước, tuyên truyền nâng cao ý thức tiết kiệm nước trong nhân dân, bảo vệ môi trường. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các bộ ngành có liên quan sẽ triển khai các công trình thủy lợi nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô cho cả vùng ĐBSCL; xây dựng hành lang pháp lý về nước sạch nông thôn bảo đảm hài hòa lợi ích và công bằng trong sử dụng nước cho người dân nông thôn.

Tin, ảnh: THÚY AN/ QDND

 

Bài viết cùng chuyên mục