Khẩn cấp chống hạn cho Ninh Thuận, Bình Thuận

Nam Trung Bộ đang trải qua những ngày nắng nóng lịch sử, trong đó, Ninh Thuận và Bình Thuận đối mặt với khô hạn khốc liệt nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trước tình hình nắng hạn nghiêm trọng tại Ninh Thuận và Bình Thuận, liên tiếp các đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN - PTNT) đã vào 2 tỉnh này để hỗ trợ công tác chống hạn, không để người dân phải thiếu nước sinh hoạt.

Khẩn cấp chống hạn cho Ninh Thuận, Bình Thuận - Ảnh 1.
Người dân vét từng giọt nước ở giữa dòng suối cạn

Cứu đất, cứu người

Tại Bình Thuận, đến ngày 23-5, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh chỉ còn 11,16 triệu m³, đạt 4,3% dung tích thiết kế là 259,38 triệu m³. Nguồn nước tự nhiên trên các sông, suối của tỉnh này đều cạn kiệt, mực nước ngầm suy giảm mạnh, giếng khoan, giếng đào ở các địa phương đều cạn nước, có nhiều khu vực không còn nước hoặc đã bị nhiễm mặn. Ít ngày qua, Bình Thuận xuất hiện vài cơn mưa đầu mùa, giúp làm dịu phần nào cái gay gắt của cơn hạn. Tuy nhiên, thiệt hại do hạn hán gây ra đặc biệt nghiêm trọng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, nắng nóng đang diễn ra gay gắt nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trầm trọng, đặc biệt tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và TP Phan Thiết. Toàn tỉnh phải cắt giảm 13.986 ha cây trồng (lúa 13.218 ha, bắp 770 ha); khoảng 16.000 ha thanh long thiếu nước tưới. Có đến 27.271 hộ với 114.095 nhân khẩu tại 43 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt, một số địa phương người dân phải mua nước sinh hoạt với giá từ 60.000 - 120.000 đồng/m³.

Còn tại tỉnh Ninh Thuận, theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tính đến nay, lượng nước tại 21 hồ thủy lợi hiện còn 23,94 triệu m³, chiếm 12,31% so với dung tích thiết kế; nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh xấp xỉ ở mực nước chết. Trong vụ đông - xuân 2019-2020, Ninh Thuận có trên 7.873 ha đất canh tác phải ngừng sản xuất do thiếu nước. Hơn 1.800 hộ với gần 7.250 khẩu thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, do nhiều diện tích phải dừng sản xuất dẫn đến khoảng 72.000 người có nguy cơ thiếu đói.

Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã công bố rủi ro thiên tai do hạn hán ở cấp độ 3 để huy động các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia chống hạn.

Khẩn cấp chống hạn cho Ninh Thuận, Bình Thuận - Ảnh 2.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (người đưa tay) chỉ đạo cứu hạn tại tỉnh Bình Thuận

Sớm hoàn thiện các công trình thủy lợi

Làm việc về công tác ứng phó đợt hạn hán lịch sử với tỉnh Bình Thuận vào ngày 24 và 25-5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao việc tỉnh đã sớm chỉ đạo, chủ động xây dựng kịch bản để ứng phó với tình trạng hạn hán, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, việc địa phương chủ động tích nước nhưng mùa khô vẫn thiếu nước là do lượng bốc hơi gần gấp đôi lượng mưa. Để bảo đảm an ninh nguồn nước phải xem xét toàn diện hồ chứa để tích nước.

Để khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu có phần cực đoan, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ NN-PTNT đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất chủ trương đầu tư và hỗ trợ địa phương kinh phí đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng trong quy hoạch phát triển thủy lợi của tỉnh cần thiết đầu tư trong thời gian tới như: hồ chứa La Ngà 3 (huyện Tánh Linh, dung tích khoảng 476 triệu m³), hoàn thiện hệ thống kênh tưới hồ Sông Lũy, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước Ka Pét - huyện Hàm Thuận Nam...

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý trên tinh thần thích nghi có kiểm soát, đẩy nhanh các công trình hiện có, hoàn thiện hệ thống chuyển nước trên địa bàn, mục tiêu năm 2025 cơ bản giải quyết được hạn hán. Về dự án đầu tư hồ La Ngà 3, Thứ trưởng đồng ý chủ trương cùng tỉnh nghiên cứu đầu tư xây dựng. Trước mắt, năm 2020, Bộ NN-PTNT sẽ bố trí kinh phí lập báo cáo chuẩn bị đầu tư.

Đối với tình hình hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh xây dựng kịch bản ứng phó hạn sát với tình hình thực tế hiện nay, tập trung rà soát, cân đối hợp lý nguồn nước, không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt.

Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, ngoài việc hoàn thiện hệ thống kênh mương và hồ thủy lợi, các địa phương có đặc thù khô nóng, hạn hán cần xây dựng những giải pháp thích nghi với môi trường. "Về giải pháp phi công trình, tôi đề nghị tỉnh Bình Thuận tiếp tục tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tính toán chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng, sử dụng những cây chịu được hạn, cây trồng lâu năm. Đề nghị tỉnh rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước thực tế" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
 
Bài-ảnh: HIỆP PHỐ/ Báo Người lao động

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1