Mục tiêu cả “lượng” và “chất”

Để đạt mục tiêu cấp nước sạch cho toàn thành phố, Hà Nội đã tích cực kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực nước sạch. Chỉ trong thời gian ngắn nguồn cung và mạng lưới đã được đẩy mạnh triển khai nhưng để kịp như tiến độ đề ra, vẫn còn nhiều trở ngại.

Nâng dần tỷ lệ cấp nước

Chăm lo cho đời sống nhân dân luôn là vấn đề được thành phố Hà Nội quan tâm, đặc biệt là vấn đề nước sạch. Để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ này, thành phố đã cụ thể hóa nhiều giải pháp đột phá, mang tính chiến lược, bền vững để tháo gỡ những khó khăn nội tại cơ sở sở hạ tầng, nguồn vốn đầu tư eo hẹp.

Một trong những giải pháp được giới chuyên gia đánh giá cao là chủ trương xã hội hóa phát triển hệ thống cấp nước. Tính đến hết năm 2019, thành phố đã kêu gọi được 23 nhà đầu tư, triển khai 34 dự án cấp nước, nguồn nước và mạng lưới. Nhiều dự án lớn đã bước vào giai đoạn khai thác, nâng công suất cung cấp nước sạch cho thành phố từ 1.000.000 - 1.335.000m3/ngày đêm. Hệ thống cấp nước trên địa bàn thành phố đã từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

ky 2 muc tieu ca luong va chat
Mạng lưới nước sạch đã đươc phủ sóng 75% khu vực nông thôn thành phố (ảnh: Anh Thi).

Hạ tầng kỹ thuật mạng lưới cấp nước dần từng bước được cải tạo, phát triển theo đúng quy hoạch. Tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình toàn thành phố giảm từ 24% xuống còn 18%. So với trước đây, số lượng doanh nghiệp tham gia vào khai thác, kinh doanh, cung cấp nước sạch từ nguồn cho đến mạng lưới đã tăng gấp hơn 4 lần. Thị trường nước sạch của Hà Nội đã trở nên sôi động và có tính cạnh tranh hơn bao giờ hết, góp phần quan trọng thúc đẩy các nhà sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo và ngày càng nâng cao chất lượng nước sạch sinh hoạt phục vụ nhân dân Thủ đô.

Kết quả là, nếu như tại thời điểm năm 2016, khu vực nông thôn mới có hơn 2,3 triệu dân (đạt 37,2%) dùng nước sạch, thì đến nay tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch là 75% và đang hướng đến 100%.

Nỗ lực đảm bảo về "chất”

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cấp nước sạch trên địa bàn Hà Nội cũng còn không ít khó khăn, hạn chế, trong đó đặc biệt nổi bật là "chỉ tiêu nước sạch tại vòi”. Về cơ bản, đối với các dự án mới, chất lượng nguồn nước đều đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế. Tuy nhiên, quá trình lưu thông trên mạng lưới, đường ống, qua các bể chứa, trạm bơm, nhất là ở các khu chung cư cao tầng, khu đô thị mới, nguồn nước lại có nguy cơ tái ô nhiễm cao.

Tại các khu tập thể, khu dân cư cũ như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng; Thành Công, Ba Đình, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân… hệ thống đường ống cấp nước đều được lắp đặt từ vài chục năm trước cơ bản đều đã hư hỏng, xuống cấp. Do đó, nguồn nước sạch cấp phát đến các khu vực này thường có tỷ lệ thất thoát và nguy cơ tái ô nhiễm cao.

ky 2 muc tieu ca luong va chat
Mục tiêu người dân được sử dụng nước sạch tại vòi vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ (ảnh: Mai Quý).

Câu chuyện tại những khu đô thị, chung cư cao tầng mới cũng không khác là bao. Mạng lưới nội bộ được các chủ đầu tư tự thi công thường thay đổi liên tục mỗi khi có yêu cầu khác. Thậm chí, nhiều khu vực mạng nội bộ không được đầu tư đúng mức, không đồng bộ, không đủ công suất cấp hoặc thiếu duy tu, duy trì theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ, dẫn đến ô nhiễm nước sinh hoạt.

Bên cạnh đó, theo nhiều chủ đầu tư, giá nước sinh hoạt tại Hà Nội (bình quân 9.435 đồng/m3) chưa phản ánh hết giá thành chi phí sản xuất, thậm chí còn thấp hơn nhiều tỉnh, thành phụ cận. Chi phí cao, nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tỷ lệ người dân nông thôn đấu nối và sử dụng còn thấp… Nói như Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội Nguyễn Đình Hà tại Triển lãm quốc tế hàng đầu về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước tại Việt Nam thì suất đầu tư cho nước sạch nông thôn cao hơn nhưng giá lại thấp hơn nhiều khu vực nội thành. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thu hồi vốn, sinh lời và đặc biệt là nguồn lực tái đầu tư, duy trì hệ thống của các doanh nghiệp.

Từ thực tế này, để đạt mục tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch trong năm 2020 theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vẫn còn một chặng đường dài với nhiều thử thách. Và để đạt mục tiêu này, vẫn cần thêm những giải pháp mang tính đột phá hơn nữa để gỡ bỏ những nút thắt.
 
Theo TUẤN DŨNG/ Báo Lao động Thủ đô

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1