Không nghiêm, khó giảm ô nhiễm

Tháng 10-2019, hàng triệu người dân Hà Nội rơi vào cảnh khủng hoảng nước sạch tồi tệ do một nhóm người đổ trộm dầu thải ở đầu nguồn Nhà máy nước sông Đà, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã khởi tố vụ án theo Điều 235, Bộ luật Hình sự, tạm giữ hình sự các đối tượng liên quan phục vụ công tác điều tra.

Trước đó ít tháng, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã khởi tố vụ án chôn 4.371 tấn chất thải tại huyện Bình Chánh. Việc khởi tố các vụ án với tội danh "gây ô nhiễm môi trường” gần đây cho thấy, các cơ quan chức năng đang ngày càng mạnh tay hơn với loại tội phạm nguy hiểm này.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì số vụ án bị khởi tố về tội "gây ô nhiễm môi trường” vẫn còn quá ít. Bộ luật Hình sự mới đã quy định pháp nhân cũng có thể bị xử lý hình sự về một số tội danh, trong đó có nhóm tội danh về môi trường, nhưng thực tế chưa có pháp nhân nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) vẫn còn bỏ lọt quá nhiều hành vi vi phạm. Vì thế, người dân vẫn vô tư đổ rác không đúng nơi quy định; khạc nhổ, vứt đầu thuốc lá, vảy tàn thuốc lá, phóng uế bừa bãi... Doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý. Nhiều con sông vốn dĩ rất sạch, từng được sử dụng làm nước sinh hoạt cho nhân dân nhiều tỉnh, nay trở thành những con sông "chết” bốc mùi xú uế nồng nặc…

KHÔNG NGHIÊM, KHÓ GIẢM Ô NHIỄM
Cần xử lý mạnh tay với những đối tượng làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa/moitruongviet.edu.vn

Thực tế thì công cụ pháp lý của chúng ta đã đầy đủ, đồng bộ với hệ thống chế tài nghiêm khắc để trấn áp các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BVMT. Đó là Luật BVMT và các luật chuyên ngành trong từng lĩnh vực môi trường; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT tới 1 tỷ đồng với cá nhân, 2 tỷ đồng với tổ chức. Hành vi bỏ đầu thuốc, tàn thuốc không đúng nơi quy định bị phạt tới 1 triệu đồng; phóng uế bừa bãi bị phạt tới 3 triệu đồng; đổ rác không đúng nơi quy định bị phạt tới 7 triệu đồng. Bộ luật Hình sự có một chương quy định về nhóm tội xâm phạm môi trường. Vấn đề đặt ra là phải thực thi một cách nghiêm minh những quy định hiện hành.

Để bảo vệ được môi trường thì không thể nương tay với người vi phạm, không thể bỏ lọt bất kỳ hành vi vi phạm nào. Muốn vậy, lực lượng chấp pháp phải thường xuyên tuần tra hơn, coi việc bám nắm thực tế là nhiệm vụ hàng đầu. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng không quán xuyến hết địa bàn do lực lượng mỏng, cần tăng cường kiểm soát qua hệ thống camera giám sát trên đường phố; kêu gọi các cơ quan công sở, doanh nghiệp và nhà dân có camera an ninh, lái xe có camera hành trình cung cấp hình ảnh vi phạm để xử lý kịp thời. Việc xử lý vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực BVMT cần được thực hiện thường xuyên, triệt để, hết sức tránh kiểu truy quét theo đợt rồi lại buông lỏng làm cho tình trạng nhờn luật càng trầm trọng thêm.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, khoảng 10% kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội là thuộc lĩnh vực môi trường, cho thấy sự lo ngại và quan tâm của cộng đồng tới vấn đề này rất lớn. Vì thế, kêu gọi toàn dân tham gia công tác phòng, chống vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực môi trường chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình…

Theo CHIẾN THẮNG/Báo Quân đội nhân dân

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1