Gỡ "điểm nghẽn" cấp nước sạch

Bảo đảm cho người dân nông thôn được sử dụng nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Hiện các dự án cung cấp nước sạch của thành phố Hà Nội đã bao phủ tới 75% khu vực nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai do vướng một số "điểm nghẽn" cần sớm được tháo gỡ...


Lắp đường ống cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn huyện Thanh Oai. Ảnh: Linh Ngọc
 
Theo ông Lê Văn Du, Phó trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), đến nay thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 39 dự án cấp nước. Trong đó, có 11 dự án phát triển nguồn cấp nước tập trung, 28 dự án phát triển mạng. Dự kiến, đến hết năm 2020, các dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 96% gia đình có nhu cầu.

Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm. Bên cạnh những vướng mắc do giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép chậm... thì nguyên nhân chính khiến nhiều dự án triển khai không đúng tiến độ là việc cân đối thu chi. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội cho biết: Thực hiện dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho huyện Hoài Đức từ năm 2018, đến nay Công ty đã cấp nước tới 15/15 xã, thị trấn thuộc dự án, tỷ lệ hộ dân đăng ký hiện đạt 83%. Đây là con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp cấp nước, song tính bình quân trên địa bàn, lượng nước sử dụng còn thấp (khoảng 14m3/ tháng/hộ). Đáng nói, trong số 24.900 hộ đăng ký, có gần 2.000 đồng hồ không phát sinh khối lượng sử dụng. "Với tình hình này, 10 năm nữa chưa chắc Công ty đã thu hồi được vốn” - ông Hà chia sẻ.

Hiện giá bán nước sạch đang là vướng mắc lớn nhất với các nhà đầu tư. Theo ông Vũ Kim Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam - đơn vị thực hiện dự án cấp nước cho 28 xã, đơn vị hành chính huyện Phú Xuyên, hiện giá nước sinh hoạt được tính theo bậc thang (Quyết định 38/2013/ QĐ-UBND ngày 19-9-2013 của UBND thành phố). Theo đó, với 10m3 đầu tiên, nhà đầu tư đang chịu lỗ; từ 10m3 trở lên mới bảo đảm cân đối đầu tư và có lãi. Nếu ở khu vực đô thị, các hộ chỉ có một nguồn nước, lại có nhiều nhà hàng, khách sạn, đơn vị sản xuất - sử dụng nhiều sẽ tính giá lũy kế cao hơn; thì khu vực nông thôn người dân còn có nước mưa, nước giếng khoan, nên sử dụng rất ít, thường thấp hơn 10m3/tháng/hộ. Trong khi đó, chi phí đầu tư khu vực này lại cao, đi 100m đường ống mới được 1 nhà...

Trước các vướng mắc hiện nay, ông Lê Văn Du cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mới đây, tại cuộc họp về tình hình thực hiện các dự án nước sạch trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Tài chính căn cứ quy định hiện hành về định mức, đơn giá nước sạch, thực tiễn triển khai các dự án, khẩn trương tham mưu đề xuất, báo cáo UBND thành phố về đơn giá nước sạch áp dụng trên địa bàn. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo tham mưu cho thành phố việc đóng các giếng khoan tại các hộ gia đình, doanh nghiệp (khi có mạng cấp nước sạch của thành phố); hướng dẫn quy trình lấp giếng khoan để bảo vệ nguồn nước, môi trường...

Chắc chắn khi những "điểm nghẽn” trên sớm được tháo gỡ sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cấp nước sạch nông thôn.
 
Theo DẠ KHÁNH/ Hà Nội mới

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1