Bảo tồn nét đặc sắc, cổ kính của Hồ Hoàn Kiếm

Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, sau khi chỉnh trang theo dự án xây dựng cải tạo, hồ Hoàn Kiếm sẽ bảo tồn những nét đặc trưng trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước.

Hệ thống kè hồ xuống cấp, sụt lún gây nguy hiểm Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Hệ thống kè hồ xuống cấp, sụt lún gây nguy hiểm Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
 
Bảo tồn giá trị

Cụm di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013. Năm 2016, khu vực hồ Hoàn Kiếm được UBND thành phố Hà Nội giao cho chính quyền địa phương tổ chức không gian đi bộ vào cuối tuần, thu hút hàng triệu lượt người dân và du khách, cùng nhiều sự kiện văn hóa - giải trí được tổ chức thường niên, đóng góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường sống, tạo ra nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân, thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô.

Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Hoàn Kiếm đang xuống cấp nghiêm trọng do tồn tại hàng chục năm, có những hạng mục phải sửa chữa thường xuyên. Cá biệt, hạng mục bờ kè, từ năm 2017 đã có hiện tượng lún, sụt và diễn biến nhanh hơn trong năm 2018. Nhiều vị trí đã mất chân kè khiến hệ thống đường dạo sát mép hồ có 17 điểm lún, sụt với tổng chiều dài khoảng 250m. Để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách trong thời gian chờ triển khai dự án cải tạo, quận Hoàn Kiếm đã thực hiện lắp đặt biển cảnh báo, hàng rào tạm thời tại những vị trí kè, đường dạo xung quanh hồ bị lún, sụt.
Sau khi xem xét phương án do các đơn vị tư vấn trong nước, quốc tế thiết kế và đề xuất, UBND thành phố Hà Nội thống nhất lựa chọn giải pháp thay thế 1.452m bờ kè, trong đó có 600m đã xuống cấp bằng vật liệu khối bê tông cốt sợi đúc sẵn thành các cấu kiện, mỗi cấu kiện dài 1m; cao 2,5m; nặng 2,5 tấn đã được thiết kế và thử nghiệm tại hồ Trúc Bạch tháng 11/2019.

Theo đơn vị thiết kế, việc sử dụng các cấu kiện bằng chất liệu bê tông cốt sợi, không có ion, không ăn mòn, có thể tồn tại lâu dài trong môi trường nước. Việc thi công sẽ không dùng tường vây, đê bao, không thay đổi mực nước hồ Hoàn Kiếm. Đảm bảo giữ nguyên hiện trạng nền đất tự nhiên đáy hồ, giữ nguyên hiện trạng cây xanh xung quanh bờ hồ, không phá vỡ kết cấu nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè xung quanh hồ.

Giữ cho được đường cong hiện hữu

Trước khi trình phương án thay thế bờ kè lên thành phố, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu và các Sở, ngành về phương án thiết kế. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của giới khoa học và ý kiến của Bộ VH-TT&DL, tháng 1/2020, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục tổ chức trưng bày phương án cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, tại Trung tâm văn hóa Hồ Gươm số 2 phố Lê Thái Tổ.
Qua hai lần lấy ý kiến, các nhà khoa học đều thống nhất việc cải tạo bờ kè đã xuống cấp ở hồ Hoàn Kiếm là cấp thiết, việc sử dụng vật liệu khối bê tông cốt sợi đúc sẵn sẽ hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, hạn chế tối đa tác động đến lòng hồ và cảnh quan chung. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cũng nhấn mạnh, việc phải giữ được đường cong mềm ở bờ hồ hiện trạng, tạo mối liên hệ giữa bờ hồ với mặt nước kết hợp cây xanh, ánh sáng, tạo ra một không gian tự nhiên. Cần nghiên cứu chất liệu mặt kè sao cho có vị trí để rễ cây phát triển, cỏ mọc. Thiết kế mặt kè phải tính đến vị trí đặt đèn chiếu sáng, gốc cây sát bờ kè, cửa cống thoát nước mưa...

Nhận xét về phương án dùng khối bê tông cốt sợi đúc sẵn thay thế cho bờ kè đã xuống cấp, GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho biết: "Về mặt công nghệ, phương án này có ưu điểm không phải làm móng, không phải thoát nước. Mặt khác, vì bề ngang của mỗi tấm cấu kiện chỉ có 1 mét và làm cong theo đúng độ cong của hiện trạng, sẽ giữ được hình dáng tự nhiên vốn có của bờ hồ”.

Bên cạnh đó, GS Kính cũng lưu ý bờ kè mới không làm cao hơn đường đi hiện nay, để bờ kè chuyển tiếp tự nhiên xuống hồ. Thứ hai là tuân thủ tuyệt đối đường nét đã hình thành, phải giữ cái đẹp quen thuộc, gần gũi của hồ Gươm. Bề mặt lớp bê tông vát xuống mặt hồ nên làm sần để tạo độ mềm nhất định, tạo điều kiện để rêu phong qua thời gian...

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: "Việc lựa chọn phương án dùng khối bê tông cốt sợi đúc sẵn sẽ đáp ứng được những yêu cầu của Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội đặt ra là việc kè hồ phải triển khai thi công nhanh gọn, tác động ít nhất đến hiện trạng, không được thu nhỏ diện tích mặt nước.

Trước khi lựa chọn phương án trên, quận Hoàn Kiếm và các đơn vị đã cùng tính toán rất kỹ lưỡng về thiết kế, cảnh quan. Toàn bộ phần diện tích bề mặt kè giữa mép nước và đỉnh kè sẽ được lát tấm bê tông có màu sắc rêu phong vốn có, hồ Hoàn Kiếm sẽ giữ được đầy đủ nét đặc trưng sau khi chỉnh trang...”.
Hạng mục kè hồ Hoàn Kiếm được khởi công trong tháng 4/2020; dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 8/2020; tổng diện tích bờ kè cải tạo dài 1.452m  trải dài qua các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay.
 
Theo HÀ THÀNH/Báo Tiền Phong

Bài viết cùng chuyên mục