Hà Nội nêu cơ sở khoa học của việc thực hiện làm sạch nước sông, hồ

Theo yêu cầu của Đoàn ĐBQH về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, UBND TP Hà Nội đã báo cáo về cơ sở khoa học; biện pháp giải quyết từ gốc để có phương án tối ưu cho việc đảm bảo môi trường không khí, môi trường nước và làm sạch nước sông, hồ của Hà Nội.

Theo đó, UBND TP Hà Nội cho biết, trước thực trạng môi trường nước một số lưu vực sông chảy qua địa bàn TP đang diễn biến phức tạp, một số nơi chất lượng nước bị ô nhiễm, thậm chí nghiêm trọng, dòng chảy trên sông không đáp ứng được khả năng tự làm sạch chất ô nhiễm-đặc biệt là đối với sông Nhuệ, UBND TP Hà Nội đã nỗ lực kiểm soát ô nhiễm các lưu vực sông, tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, triển khai nhiều giải pháp quản lý và cải thiện chất lượng môi trường sông, hồ TP. Trong đó, ưu tiên xử lý ô nhiễm cho toàn bộ hệ thống hồ nội, ngoại thành, các con sông gây ô nhiễm nghiêm trọng là sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch…

Sau khi xác định cụ thể các "điểm đen”, bức xúc về ô nhiễm môi trường, các sở, ngành liên quan TP đã tăng cường quản lý vệ sinh môi trường dọc các tuyến sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; đồng thời, nạo vét duy tu, duy trì, nạo vét hệ thống thoát nước lòng cống, mương nhằm giảm thiểu ô nhiễm với khối lượng năm 2017 là 134.534m3 bùn, năm 2018 là 166.610 m3 bùn và năm 2019 khoảng 174.468 m3 bùn. Đối với sông Tô Lịch, trong 2 năm qua, tiếp tục duy trì bè thủy sinh trên sông nhằm tạo cảnh quan và góp phần giảm thiểu ô nhiễm.

TP đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm góp phần cải thiện ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ như: Vận hành thường xuyên đối với các Nhà máy xử lý nước thải hiện có trên địa bàn TP, các trạm bơm tiêu nước vào sông Nhuệ, sông Châu Giang;

Đầu tư, vận hành hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt tự động trên sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ: Các dự án đầu tư xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn (đặc biệt kiên quyết không gia hạn thi công, yêu cầu các Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ đối với Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Công suất 270.000 m3/ngày, đêm) nhằm sớm góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP nói chung và sông Tô Lịch nói riêng), trạm xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp, làng nghề bảo đảm chất nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường;

Các dự án nâng cấp trục chính Sông Nhuệ đoạn từ vành đai 4 đến hết hệ thống; Xây dựng các trạm bơm tiêu nước vào sông Nhuệ, trạm bơm Thạch Nham, Nhân Hiền, Xém, Lễ Nhuế 1, Lễ Nhuế 2, một số cụm công trình đầu mối dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa…; Nạo vét lòng dẫn sông Đáy đoạn từ đập Đáy đến cầu Mai Lĩnh; Tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì.

ha noi neu co so khoa hoc cua viec thuc hien lam sach nuoc song ho
Một đoạn sông Tô Lịch được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản (ảnh: Khánh Huy)
Ngoài ra, các cơ quan chức năng của TP đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế,… trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép vào môi trường.

Đối với việc cải thiện môi trường không khí, UBND TP đã và đang chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành tích cực triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục hạn chế ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn như ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25-12-2019 về các biện pháp khắc phục hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn TP Hà Nội.

Đồng thời, TP đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh và tiếp tục trồng bổ sung thêm 600 nghìn cây xanh trong giai đoạn 2019-2020; Áp dụng công nghệ cơ giới hóa trong công tác quét, hút bụi tại các tuyến đường; Tăng cường công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực xây dựng và giao thông, bắt buộc phải che chắn, đóng kín thùng, rửa xe trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường đối với xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh;

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông, tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc; Tổ chức lát lại vỉa hè tại những nơi bị hư hỏng để khuyến khích người dân đi bộ; Triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E5, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông; Triển khai chương trình thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến;

Đôn đốc và thành lập các đoàn kiểm tra các quận, huyện về công tác hạn chế đốt rơm rạ; Đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng, áp dụng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại; Đẩy nhanh tiến độ các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại, tiên tiến và tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các Khu, Cụm công nghiệp phải đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, khí thải đảm bảo đạt quy chuẩn cho phép về nước thải, khí thải trước khi đi vào hoạt động; Rà soát, kiểm tra toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn TP; Tiếp tục triển khai xử lý ô nhiễm nước ao hồ nội, ngoại thành.

Cùng đó, triển khai các Đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030; Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại; Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại; Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường vận hành ổn định liên tục hệ thống quan trắc không khí; chủ động tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình cập nhật và công bố thông tin chất lượng không khí và phổ biến nội dung Chỉ thị 19/CT-UBND tới người dân; xây dựng phần mềm (APP) theo dõi trên điện thoại với các tính năng nhằm nâng cao vai trò giám sát cộng đồng về bảo vệ chất lượng không khí, cho phép người dân đăng tải video, hình ảnh đối tượng gây ô nhiễm để chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
 
Theo PHONG CHÂU/Báo Pháp luật & Xã hội

Bài viết cùng chuyên mục