Covid-19 đã gây khó hoạt động dự báo thời tiết như thế nào?

Bên cạnh những khó khăn về kinh tế, đi lại, đại dịch toàn cầu Covid-19 đang có những tác động phụ cũng nguy hiểm không kém.
 
Máy bay thương mại bị "xếp xó” dẫn tới thiếu dữ liệu phục vụ dự báo thời tiết.
 
Trong đó, phải kể tới việc Covid-19 đã khiến ngành hàng không rơi vào tình trạng thảm hại chưa từng có kể từ sau vụ phun trào núi lửa Eyjafjallajökull năm 2010 tại Iceland. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, việc những chiếc máy bay không được phép cất cánh đã khiến hoạt động dự báo thời tiết gặp rất nhiều khó khăn.

Lâu hay, hệ thống quan sát toàn cầu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) (vận hành từ năm 1963 và chiếm một phần ba toàn bộ hệ thống theo dõi thời tiết thế giới bao trùm) liên tục cung cấp các dữ liệu đo đạc bề mặt đại dương và khí quyển cho 193 quốc gia thành viên WMO. Dữ liệu này được thu thập qua các vệ tinh quan sát, hệ thống mặt đất và đặc biệt là số lượng lớn máy bay thương mại đang được các hãng hàng không sử dụng trên toàn cầu. Những dữ liệu này sau đó được phát qua hệ thống viễn thông toàn cầu của WMO (GTS) trước khi được xử lý bởi hệ thống phân tích dữ liệu và dự báo toàn cầu (GDPFS).

Trong khi các hệ thống vệ tinh và mặt đất hầu hết đều vận hành tự động và không bị ảnh hưởng bởi diễn tiến của Covid-19, những chiếc máy bay thương mại lại không như vậy. Theo WMO, mỗi năm có khoảng 3.500 máy bay nhóm này cung cấp hơn 250 triệu mẫu dữ liệu quan sát.


Mô hình thu thập dữ liệu phục vụ dự báo thời tiết của WMO.

Trong các hành trình khắp thế giới, những chiếc máy bay sẽ thu thập thông tin về áp suất không khí, nhiệt độ, tốc độ gió, hướng gió và cả độ ẩm… để truyền về các trung tâm tiếp nhận. Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 bùng phát, số chuyến bay thương mại trên toàn cầu đã giảm đáng kể. Theo số liệu của cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, từ ngày 31-3 tới nay, lượng dữ liệu khí tượng thu thập được từ máy bay thương mại đã giảm chỉ còn một nửa. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều khu vực khác trên toàn cầu, với mức độ giảm trung bình từ 35% đến 42%.

Theo Giám đốc phụ trách hệ thống Trái đất thuộc bộ phận hạ tầng WMO Lars Peter Riishojgaard, tác động trước mắt của việc thiếu dữ liệu từ máy bay thương mại đối với công tác dự báo thời tiết vẫn ở mức thấp, nhưng nếu tình trạng này kéo dài, độ chính xác và tính tin cậy của thông tin dự báo suy giảm nhanh chóng. Sai số sẽ càng lớn đối với một số dự báo nhất định, ví dụ như dòng không lưu và áp suất bề mặt - vốn rất quan trọng đối với ngành hàng không.

Một nghiên cứu độc lập của Trung tâm châu Âu dự báo thời tiết tầm trung (ECMWF) cho thấy, nếu loại bỏ hoàn toàn dữ liệu từ máy bay, tỉ lệ sai lệch dự báo dòng không lưu khu vực Bắc Hemisphere tăng lên khoảng 15%, trong khi nguy cơ sai sót đối với các dự báo áp suất bề mặt cũng sẽ tăng 3%.

Chuyên gia WMO cũng cảnh báo, sai lệch sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu công tác thu thập dữ liệu từ các hệ thống bề mặt Trái đất cũng bị hạn chế do các kỹ thuật viên không thể làm việc đầy đủ do dịch Covid-19. Vào lúc này, một số kênh dữ liệu khác như vệ tinh Aeolus, khí cầu dự báo khí tượng, phao nổi… đang tạm thời được sử dụng bù đắp cho sự thiếu hụt dữ liệu từ ngành hàng không.

WMO vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình và hợp tác với các nước thành viên để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực có thể xảy ra.
 
Theo Báo Hà Nội mới

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1