Bảo đảm chất lượng nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô

Khu vực Nam Bộ nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đang ở cao điểm mùa khô, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống của người dân. Trước thực trạng này, ngành cấp nước thành phố đã chủ động quan trắc chất lượng nước đầu nguồn và chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó nhằm bảo đảm cao nhất chất lượng nguồn nước cấp…
 
Hệ thống hồ chứa sau khi xử lý nguồn nước thô thành nước sạch tại Nhà máy nước Tân Hiệp 1, huyện Hóc Môn.
 
Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hiện nay, tổng công suất cấp nước của đơn vị khoảng 2,4 triệu m3/ngày. Sawaco đang khai thác nguồn nước thô của sông Đồng Nai (Nhà máy nước Thủ Đức 1) và sông Sài Gòn (Nhà máy nước Tân Hiệp 1) để sản xuất thành nước sạch cung cấp cho người dân TP Hồ Chí Minh sử dụng.

Đại diện Phòng Quản lý chất lượng nước của Sawaco cho biết, vào thời điểm tháng 1, với nguồn nước sông Sài Gòn, độ mặn cao nhất chỉ xuất hiện khoảng một giờ tại trạm bơm nước thô Hòa Phú (huyện Củ Chi) với thông số 240 mg/l. Nhờ chủ động xử lý trước cho nên chất lượng nước đầu ra của nhà máy luôn thấp hơn 150 mg/l. Tới thời điểm hiện tại, độ mặn luôn được duy trì ở mức thấp hơn 200 mg/l, nằm trong quy chuẩn QCVN 01:2009.

Đối với nguồn nước từ sông Đồng Nai, độ mặn dao động tại chân cầu Hóa An, TP Biên Hòa (Đồng Nai), nơi cung cấp khoảng 60% lượng nước cho thành phố, ở ngưỡng thấp hơn 100 mg/l. Với những thông số nêu trên, Sawaco dự báo mùa khô năm nay độ mặn vẫn an toàn, chưa thể vượt ngưỡng kỷ lục năm 2015 - 2016, thời điểm Nhà máy nước Tân Hiệp phải ngừng lấy nước nhiều lần do độ mặn vượt ngưỡng 250 mg/l.

Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp 1 Trần Duy Khang cho biết, trước diễn biến thất thường của độ mặn từ nguồn nước, cuối năm 2019, đơn vị đã ban hành quy trình vận hành nhà máy khi độ mặn tăng cao, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó với 5 cấp độ. Trong đó, các cấp độ từ 1 đến 3 (khi độ mặn từ 50 mg/l đến 100 mg/l; từ 100 đến 150 mg/l; từ 150 đến 200 mg/l) được xem là trong "tầm” chất lượng. Nhà máy thực hiện theo dõi thường xuyên, liên tục độ mặn nước sông qua hệ thống quan trắc online, các phân xưởng điều hành sẽ cập nhật trung bình bốn lần/giờ, kết hợp theo dõi triều cường để dự báo thời điểm độ mặn có khả năng tăng cao trong ngày. Ở cấp độ 4, khi độ mặn từ 200 đến 250 mg/l, ngoài việc theo dõi chặt chẽ, liên tục, nhà máy sẽ đề nghị đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng hỗ trợ xả nước đẩy mặn bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố.

Theo Phòng Quản lý Chất lượng nước của Sawaco, với kịch bản độ mặn tại khu vực đầu nguồn của Nhà máy nước Tân Hiệp từ 250 mg/l trở lên (cấp độ 5), thì Sawaco sẽ yêu cầu nhà máy ngừng lấy nước thô tại sông Sài Gòn, đồng thời đề nghị Ban quản lý hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy nước mặn đến khi khi độ mặn giảm dưới 250 mg/l mới lấy nước trở lại. Trong thời gian ngừng lấy nước từ sông Sài Gòn, Sawaco có thể sử dụng nguồn nước của một số nhà máy khác và nguồn nước dự trữ ở các hồ, vẫn bảo đảm nước sạch cho người dân trong thời gian chờ độ mặn giảm…

Cùng với việc đưa ra nhiều kịch bản ứng phó trước diễn biến của biến đổi khí hậu, ngành cấp nước thành phố còn chủ động triển khai ứng dụng nhiều công nghệ quản lý hiện đại, xây dựng nhiều công trình hỗ trợ nhằm bảo đảm duy trì cung cấp nước ổn định cho người dân, bảo đảm an ninh, an toàn cho nguồn nước thành phố.

Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước của Sawaco Trần Kim Thạch chia sẻ: Hiện nay, các nhà máy cấp nước của thành phố đều thực hiện theo dõi thường xuyên, liên tục độ mặn nước sông qua hệ thống quan trắc online, cài đặt các ngưỡng cảnh báo trong hệ thống Scada của các nhà máy để ứng phó sự cố kịp thời. Sawaco cũng đã hoàn thành việc nâng công suất các bể chứa nước sạch của các nhà máy nước, tăng khả năng lưu trữ lượng nước lên từ 8 đến 10 giờ để bảo đảm duy trì lượng nước cung cấp cho người dân khi có sự cố xảy ra.

Về lâu dài, đối với nguồn nước sông Sài Gòn, Sawaco đang nghiên cứu và đề xuất phương án xây dựng hồ chứa theo một trong hai cách: Xây dựng một hồ chứa mới trên sông Sài Gòn, hoặc ngăn một đoạn sông để tạo thành hồ chứa. Sông Sài Gòn đang chịu ảnh hưởng ô nhiễm chất thải và xâm nhập mặn nhiều hơn sông Đồng Nai, cho nên việc xây hồ chứa sẽ giúp dự trữ và cung cấp nước thô cho cụm xử lý nước Tân Hiệp trong khoảng từ một đến ba ngày liên tục khi bị ô nhiễm, đồng thời góp phần vào việc chống ngập cho TP Hồ Chí Minh khi có lượng mưa lớn đầu nguồn…

Hiện nay, tổng công suất sản xuất nước của Sawaco là 2,4 triệu mét khối/ngày, nhưng toàn thành phố chỉ tiêu thụ gần hai triệu mét khối mỗi ngày cho nên còn khoảng 400 nghìn mét khối được đưa vào nguồn dự trữ. Trong khả năng của mình, Sawaco sẵn sàng chia sẻ nguồn nước với một số địa bàn lân cận có nhu cầu về nước sinh hoạt, nhất là các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị hạn hán, xâm nhập mặn.
 
Theo Báo nhân dân

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1