Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung để Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tiệm cận và hội nhập quốc tế, đồng thời đảm bảo quan điểm “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.
 
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối của nhiều đô thị lớn hiện nay. Ảnh: Zing

Cắt giảm nhiều thủ tục hành chính

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, dự thảo sửa đổi Luật BVMT đã bãi bỏ rất nhiều quy định, giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo được công tác quản lý, BVMT như: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược so với Luật BVMT 2014. Theo đó, các chiến lược, kế hoạch không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược. Dự thảo Luật chỉ quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược là các quy hoạch theo quy định trong Luật Quy hoạch.

Quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bảo đảm thống nhất với dự án đầu tư, đầu tư xây dựng theo tiêu chí phân loại của Luật Đầu tư công. Chỉ các dự án đầu tư xây dựng mới có công trình xử lý chất thải và các dự án khác có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện báo cáo ĐTM.

Dự thảo Luật bỏ thủ tục phê duyệt báo cáo ĐTM và sửa đổi việc thẩm định báo cáo ĐTM theo hướng báo cáo ĐTM do chủ dự án lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan thẩm định chỉ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, khai thác khoáng sản... Người quyết định đầu tư sẽ tự phê duyệt các nội dung BVMT cùng với phê duyệt dự án đầu tư theo quy định, bảo đảm đồng bộ với pháp luật về đầu tư, xây dựng và thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, dự thảo hợp nhất, tích hợp 7 loại giấy phép về môi trường và xả nước thải vào nguồn nước hiện có thành giấy phép môi trường (GPMT), bao gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT; Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Giấy phép xả khí thải; xác nhận kế hoạch BVMT (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm); tích hợp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi.

Quy hoạch về BVMT được sửa đổi theo hướng quy định rõ nội dung chính của quy hoạch BVMT quốc gia, BVMT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Quy định về phân vùng môi trường là một nội dung của quy hoạch BVMT. Dự thảo Luật cũng đưa ra quy định 3 mức độ phân vùng môi trường: bảo vệ nghiêm ngặt; hạn chế tác động và vùng còn lại làm căn cứ quyết định cho phép các dự án phát triển.

Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung các nội dung, coi chất thải là tài nguyên: chất thải đã được phân định, phân loại sử dụng cho quá trình sản xuất khác là nguyên, nhiên, vật liệu cho ngành sản xuất khác, nhằm thúc đẩy tái chế, tái sử dụng chất thải. Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi Luật BVMT bổ sung thuế BVMT, mua sắm xanh và chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, phân phối và sử dụng sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

Hai loại giấy phép môi trường

Theo quy định của dự án Luật, mọi dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải đều phải có GPMT, trừ một số trường hợp như cơ quan, trường học; dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ, ít ảnh hưởng đến môi trường trong giai đoạn thực hiện và không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải thông thường với khối lượng nhỏ được xử lý bằng các công trình, thiết bị xử lý tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc phát sinh chất thải sinh hoạt được quản lý theo quy định của địa phương...

Dự án Luật đã thiết kế 2 loại GPM là chi tiết và đơn giản, phụ thuộc vào quy mô phát thải, loại hình sản xuất, mức độ gây ô nhiễm của dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

TS. Mai Thế Toản, Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra (Tổng cục Môi trường), nhận xét, GPMT bảo đảm được 3 vai trò chính là công cụ bảo đảm điều kiện cần và đủ, cho phép các cơ sở trước khi đi vào vận hành hoạt động phải thực hiện đúng các yêu cầu, điều kiện để phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ ô nhiễm, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, điều chỉnh tải lượng chất thải phát sinh, là căn cứ để cơ quan quản lý về BVMT giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Đối với ĐTM, dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) xác lập rõ đối tượng phải thực hiện ĐTM, trên cơ sở tiêu chí về tác động đến môi trường của dự án đầu tư được xét theo quy mô, tính chất, mức độ tác động đến môi trường. Xung quanh vấn đề này, PGS.TSKH Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ Thẩm định ĐTM, Tổng cục Môi trường thông tin, về trách nhiệm phê duyệt ĐTM, nếu dự án không nằm trong bí mật quốc gia, sẽ do Bộ TN&MT hoặc cấp tỉnh phê duyệt.

Theo dự kiến, dự thảo Luật sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 9 tới đây và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
 
Theo Báo Pháp luật

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1