Kiên Giang: Hơn 20.000 hộ dân nông thôn có nguy cơ thiếu nước ngọt

Chiều 6/3, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang và Hội Nhà báo tỉnh đã tổ chức buổi họp báo và giao ban báo chí định kỳ tháng 3/2020 với sự tham dự của đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí. Đại diện Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang cũng tham dự và thông tin về tình hình cung cấp nước sinh hoạt tại địa phương.

Đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho đô thị

Tại cuộc họp, Đại diện Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang đã cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí về tình hình cấp nước sinh hoạt đô thị trong mùa khô 2020.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang đánh giá: Thời gian qua các cơ quan ban ngành đã triển khai phối hợp thực hiện tốt, cụ thể hóa các giải pháp đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Đến nay, việc cung cấp nước sinh hoạt của Công ty TNHH MTV Cấp Thoát nước Kiên Giang tại các khu vực vẫn đảm bảo. Tổng sản lượng sản xuất khoảng 70.000m3/ngày/đêm. Hiện nhà máy nước Rạch Giá vẫn thu được nước và bảo đảm công suất phát nước bình thường. Ngoài ra Công ty vẫn luôn phân công tổ trực 24/24 để theo dõi diễn biến nguồn nước. 
 
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang thông tin cho báo chí.

Ông Phương cũng nhấn mạnh, mực nước tại các khu vực Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương luôn được duy trì ở trạng thái đầy và độ mặn tại vị trí lấy nước đầu nguồn cũng thường xuyên được theo dõi. Đối với hệ thống hồ Dương Đông (Phú Quốc), Công ty đặc biệt theo dõi và báo cáo thường xuyên để có sự điều chỉnh công suất cho phù hợp với dung tích chứa theo thời điểm của hồ.

Hơn 20.000 hộ dân nông thôn có nguy cơ thiếu nước ngọt 

Còn ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: Trung tâm đã chủ động phối hợp các huyện, thành phố rà soát lại những khu vực, số hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng hạn mặn trong mùa khô năm 2019-2020.

Kết quả tổng hợp ở các huyện An Biên, An Minh, Giang Thành, Phú Quốc, U Minh Thượng, Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Kiên Hải và Gò Quao, số hộ dân có khả năng bị ảnh hưởng không có nước sinh hoạt, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn năm 2019-2020 là 20.4766 hộ. 
 
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang phát biểu buổi họp báo chí.

Ông Bình cũng cho biết thêm: Hiện tại, Trung tâm cũng tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các công trình cấp ước sinh hoạt; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình cấp nước sinh hoạt đang triển khai, nhất là ở các huyện có nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang về tình hình cung cấp nước sinh hoạt vùng nông thôn, cho thấy, trung tâm hiện đang quản lý 50 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh, trong đó có 17 trạm sử dụng nước mặt, 33 sử dụng nước ngầm, tổng công suất hiện tại là 32.270 m3/ngày đêm phục vụ cho 56.340 khách hàng trên địa bàn các huyện, xã ở khu vực nông thôn;

Các địa phương thì tình hình nguồn nước cung cấp đầu vào cũng như hoạt động cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân ở nông thôn cơ bản ổn định. Mặc dù vậy, giá nước sinh hoạt ở các xã đảo có tăng hơn so với thời điểm bình thường (dao động từ 30 đến 60 ngàn đồng/m3 nước). 

PV (t/h)
Nguồn: Báo Pháp luật

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1