Các thách thức và giải pháp trong công tác giảm ngập nước cho đô thị TP.HCM

NGUYỄN NGỌC THIỆP
Bộ môn Cấp Thoát Nước - Đại học Tài Nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh
UV BTV Hội Nước và Môi trường TP. Hồ Chí Minh
------------------------------------------------------------------
Thoát nước mặt cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tính từ 2001 đến nay có những giai đoạn thăng- trầm do khách quan và chủ quan. Đặc biệt, trong thời gian gần đây thì hiệu quả của công tác thoát nước cho địa bàn có sự thành công nhất định về mặt số lượng công trình và mức độ ngập úng được kiểm soát chặt hơn. 

 
Những lần ngập bất thường, ngập mức độ cao, rộng là đều có liên quan đến các dạng sự cố do thiên tai hoặc do nhân tai. Việc chuyển từ tư duy chống ngập sang giảm ngập là một hướng đi có tính đột phá cho tầm nhìn và cho kế hoạch hành động. Đối với sự chuyển đổi cơ quan quản lý và hình thành bộ máy quản lý mới phù hợp với ngành hạ tầng kỹ thuật theo pháp lý tổ chức ngành và qui phạm kỹ thuật sẽ có tính tập trung cao, chuyên môn sâu hơn sẽ là động lực thúc đẩy các kế hoạch hành động đúng đắn hơn. Tuy nhiên, trong thời gian 10 năm qua với những diễn biến mới về biến đổi khí hậu, thay đổi địa hình địa mạo tự nhiên, phát triển cụm công nghiệp, cụm đô thị, mảng đô thị ào ạt xuất hiện, dự kiến thay mô hình tổ chức chính quyền đô thị, thay đổi bản chất đô thị, nhu cầu cuộc sống hoàn hơn, ca62b tạo điều kiện đãm bảo để thu hút các dạng đầu tư… sẽ tạo ra các áp lực lớn lên hệ thống chính quyền, trong đó việc đầu tư cho thoát nước, kiểm soát ngập là một yếu tố nan giải, với nhiều thách thức trong hiện tại và tương lai.
 
I. CÁC THÁCH THỨC ĐỐI VỚI QUẢN LÝ VÀ KỸ THUẬT
 
1. Các thách thức do thiên nhiên và tự nhiên
 
1.1. Kiến tạo địa chất trẻ, trượt chùi các mảng kiến tạo và mực nước biển dâng do băng tan là tác động kép làm ngập úng diện rộng, làm hạ tầng mất tác dụng, hỏng nhanh hạ tầng: Thành phố Hồ Chí Minh thuộc đồng bằng của lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn, tiếp giáp với vịnh Giành Rái nên có địa hình tự nhiên thấp, là vùng địa chất kiến tạo trẻ bồi lắp bề mặt trên là phù sa nên địa chất chưa có tính ổn định cao, các hạt vật chất còn dao động sắp xếp trật tự theo trọng lực, theo lực xoay ly tâm trái đất, cùng với thành phần cấu tạo lớp bì tầng trên đa số là hữu cơ nên dễ bị phân rã hóa học, phân hũy sinh học kỵ khí… sẽ làm sụt lún bề mặt tự nhiên. Những vùng có tác động rung, tác động gây lắc cơ học do giao thông, do xây dựng thì tăng khả năng sụt lún nhanh hơn bình thường. Song song đó các mảng địa chất bị trượt chùi tốc độ chậm do các dãy đứt gãy từ vùng miền Đông Nam Bộ  kéo dài đến vùng đồng bằng Sông Cửu Long cũng góp phần làm hạ mặt đất tự nhiên. Nhiệt độ tăng làm băng tan dẫn đến tăng mực nước biển và triều đi sâu hơn vào nội địa. Do các tác động đa yếu tố trên nên xu hướng ngập úng theo thời gian sẽ gia tăng, là một thách thức lớn, mối tiềm ẩn rủi ro cao cho việc hoạch định chính sách phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, đó cũng là nguyên nhân gây mất tác dụng một phần hay toàn phần của hạ tầng kỹ thuật đã và sắp đầu tư trong Thành phố và nhiều địa phương khác.
 
1.2. Mực nước triều sông rạch nội địa dâng không theo qui luật so với thủy triều biển: nước mặt trong vùng từ biển vào đất liền là môi trường liên tục nên có mối quan hệ liên quan trực tiếp đến giá trị cao độ triều. Số liệu ghi nhận mức gia tăng cao độ vài centimet ở mực nước biển vùng Vũng Tàu so với mức cao độ mực nước mặt sông SG trong vòng hơn 15 năm qua có độ lệch không tương ứng nhau (nước triều trong sông rạch tăng hơn 20cm). Điều này cho thấy toàn bộ lưu vực mất khả năng cân bằng nước do thiểu thể tích rỗng bù trừ so với trước đây hoặc do thượng nguồn nước tập trung về nhanh hơn, hoặc nước triều từ biển vào với tốc độ nhanh hơn.
 
2. Các thách thức nhân tạo và chủ quan
 
2.1. Vai trò “nhạc trưởng” tư lệnh ngành mờ nhạc hoặc không rõ ràng: thực tiễn cho thấy ngành thoát nước có sự va chạm nhiều lĩnh vực khác trong kỹ thuật hạ tầng. Thoát nước cần sự ưu tiên yêu cầu mức độ rất cao nên có cần phải có một nhạc trưởng điều khiển trực tiếp cho vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay chưa xuất hiện được nhân tố này trong suốt thời gian qua, thay vào đó là một Ban, Tổ, hay Hội đồng cũng không chốt được vấn đề nhanh chóng, phải vòng vo nhiều nơi vì e ngại trách nhiệm.
 
2.2. Tổ chức quản lý chuyên môn và mối quan hệ cơ hữu liên ngành còn rời rạc, đặc biệt là chiều sâu của tính kỹ thuật: Quản lý Ngành thoát nước tại Thành phố đã được tập trung về sở Xây Dựng là một tín hiệu đáng tin cậy, tuy nhiên trong vấn đề Thoát nước mặt trong đô thị do sở Xây dựng quản lý thì phụ thuộc vào vùng Tiêu do ngành Nông Thôn và ngành khai thác giao thông Đường Thủy (sở GTVT) quản lý. 
 
Ngoài ra, khi phát triển các hình thức giao thông: đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy luôn luôn trong cấu phần dự án đề có hạng mục thoát nước mặt, nước thải… hiện nay khi xét về tổng quan dự án Giao thông nhận thấy xuất hiện mối quan hệ tương tác ảnh hưởng đến thoát nước mặt, nước thải và cốt nền rất lớn, nhưng khi chi tiết vào dự án giao thông cụ thể thì gần như không được xem xét tác động cộng hưởng một cách chi tiết, đôi khi dự án thoát nước thai nghén dưới bóng dáng của công trình giao thông nên thoát nước hay thiếu sự phản biện chuyên sâu của ngành thoát nước, dẫn đến khi kết nối thành hệ thống chung thì tính phát huy hiệu quả giảm.
 
Trong hệ thống thoát nước, mạng lưới thu gom được chia nhiều cấp 1,2,3... và được phân cấp cho nhiều đơn vị quản lý khác nhau từ Tp, quận/huyện đến Xã Phường, chính vì sự phân cấp hoàn toàn về mặt kỹ thuật này cũng dẫn đến thoát sự phản biện ngành, đã dẫn đến sự không đồng bộ, không đảm bảo kỹ thuật từ giai đoạn tư vấn dự án, triển khai đầu tư, khai thác vận hành… nên giảm tác dụng hoặc mang lại tác dụng ngược. Nhân sự chuyên trách tại cấp cơ sở vừa thiếu, vừa kiêm nhiệm nhiều, vừa yếu chuyên môn ngành thoát nước nên không kham nổi công việc đặc thu này một cách tốt nhất.
 
2.3. Qui hoạch sử dụng đất và phát triển mở rộng triển đô thị bị hạn chế bởi tư duy, tầm nhìn, không đảm bảo tính nhất quán theo thời kỳ, trong khi quỹ đất thì hữu hạn và hạ tầng thì đã đầu tư xong một phần hay xong toàn bộ: QH chi tiết bị thay đổi liên tục về mục tiêu và định hướng theo giai đoạn ngắn hạn – Vấn đề điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trong tiểu lưu vực, tiểu khu trong thoát nước làm sai biệt hoàn toàn các giá trị thiết kế thoát nước đã đầu tư và giá trị tính toán trong qui hoạch. Công tác rà soát qui hoạch chuyên ngành hạ tầng khi điều chỉnh qui hoạch sử dụng đất chưa được quan tâm đúng mức yêu cầu kỹ thuật nên vấn đề ngập hay tái ngập sẽ diễn ra là một tất yếu.
 
Phát triển đô thị ào ạt nhưng đầu tư hạ tầng kém, đặc biệt là thoát nước mặt, nước thải không tương xứng nên xuất hiện những vị trí ngập cục bộ. Các lưu vực tự nhiên trữ nước bị thu hẹp dần và các hướng thoát nước tự nhiên bị chia cắt bởi trục giao thông chắn làm thu hẹp dòng chảy tràn tự nhiên.
 
Chưa gắn kết giữ bản đồ cảnh báo ngập với phát triển đô thị, phát triển kiến trúc đô thị một cách cơ hữu chặt chẽ. Chưa điều tiết, kiềm chế phát triển đô thị vùng địa hình thấp bằng công cụ chính sách về giá đất và giá trị gia tăng từ đất.
 
2.4. Chất lượng đồ án QH và Dự án đầu tư ngành thoát nước đã hoàn thành là vấn đề và câu hỏi lớn trong giới chuyên môn: Mặc dù các qui hoạch được thực hiện chung với các nhà tư vấn tầm cỡ từ Á, Âu, Mỹ và trí tuệ nhân tạo (phần mềm) nhưng cũng không tránh những thiếu sót từ các bài học kinh nghiệm, từ thực tiễn, từ am hiểu hiện trường thông qua điều kiện từ tự nhiên đến kinh tế xã hội. Việc thu thập ý kiến cộng đồng, chấp nhận phản biện chuyên môn với chiều sâu đang là một hình chiếu lệ cho đủ bước thủ tục, trong điều kiện gấp gáp, thiếu thời gian và cung cấp tư liệu đầy đủ - cần thiết còn mặt hạn chế cho một việc có tầm quan trọng. Các góp ý chỉ mang tính một chiều, ít được phản hồi một cách tích cực hay lập lại. Sự tham gia của người làm khoa học chủ yếu là đi giải quyết sự tồn tại của vấn đề hơn là đóng góp cơ sở khoa học ngay từ đầu. Không thể nói đến các mối quan hệ xã hội chằng chịt của các tổ chức/cá nhân tham gia vào qui trình, mặc dù là đảm bảo tuân thủ theo pháp luật nhưng tính khách quan sẽ làm hạn chế đến chất lượng chung của sản phẩm. 
 
2.5. Triển khai sản phẩm qui hoạch và hậu kiểm đánh giá qui hoạch còn thờ ơ, mang đậm dấu ấn cá nhân: Dự án là sản phẩm của qui hoạch nên sẽ được yêu cầu nghiên cứu rất kỹ và chi tiết khi triển khai đầu tư, nhưng đôi khi tư vấn dự án không phát hiện hoặc có thể phát hiện ra những bất cập từ qui hoạch nhưng ngại thông báo để điều chỉnh vì sợ mất thời gian, cứ tiến hành men theo số liệu qui hoạch để làm căn cứ pháp lý, căn cứ kỹ thuật, đặc biệt tư vấn xem quyết định và sản phẩm qui hoạch là căn cứ pháp lý vững chắc, an toàn cho nghề nghiệp cá nhân... vì tư vấn có thể đổ thừa cho các cấp phê duyệt trong qui hoạch, tư vấn sẽ vô can… dẫn đến triển khai dự án với kiểu đảm bảo kỹ thuật 50/50. 
 
Các sản phẩm qui hoạch được triển khai nhưng việc đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ về qui hoạch gần như chưa được quan tâm đúng mức, chỉ chăm lo cho dự án ra đời để đánh giá thực hiện được bao nhiêu phần trăm hạng mục đầu tư xong và chưa xong để lý giải cho việc tồn tại hay tái ngập trong các báo cáo.
 
2.6. Kiến trúc đô thị chưa mang tính thân thiện môi trường hay chưa đủ tiêu chí thích ứng với thiên tai, sự tiếp cận với công nghệ, giải pháp còn mang tính cục bộ, ngại ứng dụng KHKT tiên tiến gây hạn chế trong sự phổ biến nhân rộng: Mâu thuẫn điển hình một số vị trí có cao độ rất cao thì bị ngập, vùng tự thoát nước tự nhiên được thì lại đi đưa vào diện thoát nước bằng đập ngăn triều và bơm cưỡng bức. Nâng cốt nền đường và mặt bằng có giá trị cao độ cao hơn đỉnh triều tự nhiên ước tính nhưng lại đầu tư đập và trạm bơm ngăn không cho triều vào, gây tốn kém và tổn thất khủng khiếp cho xã hội. 
 
Các ban quản lý đầu tư đua nhau triển khai và một bộ phận cán bộ quản lý hay chủ đầu tư rất vui mừng và xem như là một thành tích đạt được trong việc bê tông hóa, cứng hóa các mặt bằng công cộng như vỉa hè, mặt đường, công viên trong suốt 20 năm qua, càng góp ý, phản đối càng triển khai quyết liệt từ thảm bê tông, gạch nhân tạo không thấm, sang đá thiên nhiên không thấm…. 
 
Quy hoạch thì thiếu không gian cho nước trú, chỉ tập trung vào diện tích thương mại - dịch vụ. Những quyết định sai lầm và hối tiếc về mặt kỹ thuật trong việc lấn và lấp sông rạch tự nhiên trước đây, hiện nay không phải không khắc phục được mà là việc khó giải thích trơn tru với cộng đồng xã hội khi khắc phục.
 
2.7. Sự chính xác của giá trị do mức triều và cao độ địa hình tự nhiên: Trong thời gian qua, có nhiều tham luận và ý kiến chưa đồng thuận với phương pháp đo đạt cao độ và giá trị cao độ nền tự nhiên, cao độ triều ghi nhận…chưa có nghiên cứu chuyên sâu và tăng độ tin cậy của phương pháp đang áp dụng để có số liệu tương đối chính xác phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch, triển khai kỹ thuật dự án. Song song đó việc giám sát lún cốt nền tự nhiên thông qua kỹ thuật cao độ nền với mật độ giám sát còn thưa thớt trên địa bàn quản lý nên chuỗi số liệu còn hạn chế cho công tác đánh giá khoa học.
 
2.8. Thay đổi dữ liệu đầu vào của dự án đã đầu tư, nguy cơ tái ngập diễn ra: Sau khi QH 752 (2001) và 1547 (2008) ban hành và triển khai bằng các dự án lắp mới, nâng cấp, cải tạo mạng lưới thoát nước trong hơn 10 năm qua với dữ liệu và dự báo được xem là lỗi thời so với hiện trạng phát triển bất động sản trên mặt bằng lưu vực lúc quy hoạch, cùng với sự lún mặt đất và tăng mức nước triều trong nội địa, dẫn đến hệ thống thoát nước đã đầu tư bị lạc hậu, kém hiệu quả trong vận hành, đây là một cảnh báo cho công tác quản lý quy hoạch và sẽ làm tăng chi phí đầu tư bổ sung và chi vận hành đạt mục tiêu giảm ngập.
 
2.9. Ứng dụng kiểu mạng lưới thoát nước chung là một dạng tiềm ẩn rủi ro lớn: 
 
(a) Đặc thù đô thị cũ phải chấp nhận giải pháp mạng lưới thoát nước chung. Đây là một dạng áp lực lớn về mặt kỹ thuật cho công tác vận hành và công tác giám sát quản lý tài nguyên nước mặt tránh sự cố môi trường khi tách dòng, một số địa phương đã thất bại trong phân tách dòng thải khi áp dụng kỹ thuật này.
 
(b) Các đập ngăn triều kết hợp các giếng CSO, SHAFT lôi cuốn một phần chất ô nhiễm ra sông rạch, khi đóng đập ngăn triều sẽ tạo vùng chết thủy lực ngắn hạn bên trong đập sẽ có những tác động không nhỏ đến hệ sinh thái và làm gia tăng kinh phí bảo vệ môi trường và kinh phí nạo vét bùn sa lắng.
 
(c) Việc thiết kế và kết nối không hoàn chỉnh giữ cũ và mới (a+b) dẫn đến tình trạng bơm trong - bơm ngoài sẽ gây thêm một lãng phí không cần thiết.
 
(d) Chưa có tính đột phá trong kỹ thuật tiêu thoát, cân bằng và trữ điều hòa nước đối với mạng lưới thoát nước.
 
2.10. Giảm thể tích điều tiết nước thiên nhiên: Vùng biển Cần Giờ có thế độ thủy văn phức tạp, đây là cửa biển và hướng gió làm cho phù sa trong nước biển bồi lắp vùng biển Cần giờ nhiều sẽ mất một thể tích chứa nước tự nhiên; Việc tổ chức lấn mặt biển Cần giờ khai thác quỹ đất phát triển đô thị. Đô thị hóa, công nghiệp hóa vùng thấp, vùng nông thôn sẽ giảm khả năng tích nước, tăng khả năng dâng nước là một tất yếu.
 
2.11. Phát triển đô thị ngầm, không gian ngầm: Kiểm soát ngập úng, tiêu thoát nước không tốt sẽ làm cản trở việc phát triển hoặc gây thiệt hại không lường trước với tính tuyệt đối an toàn của hạ tầng ngầm.
 
2.12. Vốn và sử dụng nguồn vốn: Mặc dù là địa phương có thu ngân sách lớn nhất cả nước nhưng thực tế là TP lại thiếu vốn để triển khai dự án theo đúng kế hoạch, thiếu vốn cho hạ tầng thoát nước. Đặc điểm là không có nguồn thu để bù chi cho thoát nước mặt (do mưa gây ra dòng chảy tràn). Việc đa dạng nguồn vốn và hình thức vốn triển khai trong thời gian khát vốn vừa qua là một tín hiệu tốt nhưng hình thức PPP bằng đổi đất lấy hạ tầng còn sự bất ổn trong định giá công trình và định giá đất. Trường hợp đã giao xong đất và nhận công trình bàn giao mà hiệu quả chống ngập không như mong muốn, chẳng biết truy trách nhiệm cho ai;
 
2.13. Một số thách thức khác: (*) Nạo vét luồng giao thông thủy để tăng tải trọng cho tàu vận tải từ biển vào nội địa, như vậy sẽ rút ngắn thời gian và tăng dòng thủy lực thủy triều vào nội địa, dẫn nước triều vào nhanh hơn nên hiện tượng nước dâng nhanh hơn và nước thoát ra sẽ kém hơn; (*) Thượng nguồn lưu vực sông ĐN- SG phát triển đô thị và công nghiệp ngày càng mạnh mẽ thì tốc độ bê tông hóa, trọc hóa bề mặt sẽ tăng cao, dẫn đến thời gian tập trung nước mặt ngắn và lượng nước tập trung nhiều, mực nước sông tăng lên nhanh chóng thì khả năng ngập và thời gian ngập trong đô thị sẽ tăng lên. (*) Khai thác nước dưới đất đang dần hạn chế là tín hiệu tốt nhưng công tác bổ cập cho nước dưới đất còn đang sơ khai, chưa có nghiên cứu kỹ cho vấn đề này. (*) Sự thành công chậm chạp và gần như sự thực thi pháp luật còn chưa nghiêm khắc trong việc vận động - ngăn chặn người dân và doanh nghiệp không xả rác xuống kênh rạch, miệng hố ga, chưa tập hợp và vận động được cộng đồng tham gia quyết liệt và lâu dài trong các hành động, các hoạt động đã diễn ra mang tính phong trào - thời vụ sẽ mang lại cảm giác hụt hẫng trong quần chúng, gây mất niềm tin.
 
II. GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG VÀ GIẢI PHÁP GIẢM NGẬP ÚNG
 
Tất cả các giải pháp nhằm làm giảm ngập, thích ứng với ngập đều phải tập trung vào nhóm giải pháp diễn ra đồng thời, mang tính chất phối hợp và tương hỗ với nhau. Các giải pháp tập trung vào 3 nhóm sau:
 
- Nhóm chính - là nhóm chủ đạo: Tập trung vào công tác dữ liệu tin cậy cho các qui hoạch; Kỹ thuật giảm năng lượng triều và ngăn triều cục bộ theo tiểu khu; và bổ sung hoàn chỉnh công cụ luật và chính sách liên quan.
- Nhóm phụ trợ: Kỹ thuật thoát nước trọng lực, điều hòa nước và tiêu nước cưỡng bức bằng bơm trong đô thị. Nâng tầm kỹ thuật quy hoạch - thiết kế và nâng chất trong quản lý.
- Nhóm bổ trợ: Thiết kế đô thị thích ứng với vùng bán nhật triều, giải pháp từ sự chung sức cộng đồng trong việc tiêu nước tại chỗ, ngăn chặn hành vi xả rác…Tập trung bảo vệ tối đa kênh rạch tự nhiên và ngăn chặn sự dồn nước từ thượng nguồn.
 
Các hành động cụ thể đề xuất chính quyền thành phố nghiên cứu thực hiện:
 
1. Công tác quản lý ngành
 
(1) Xác định chủ thể, vai trò và giao nhiệm vụ, quyền hạn tối đa cho tư lệnh ngành điều phối với tinh thần trách nhiệm tối đa nhất. Từ đó hình thành nhóm chuyên trách lâm thời hoặc chính thức để giúp việc cho tư lệnh ngành ra quyết định chính xác hơn. Chuyên môn hóa cao trong quản lý, đặc biệt là tính trách nhiệm (khối dự án đô thị tư nhân làm rất tốt công tác nhân sự và công tác khai thác vận hành);
 
(2) Không ngại/lo lắng hay sợ sự phản biện của cộng đồng nghề nghiệp, tạo điều kiện và đủ thông tin, đủ thời gian, đủ không gian, có tính phản hồi hay lập lại cho việc phản biện theo từng giai đoạn của QH và Dự án;
 
(3) Quản lý về QH và Kỹ thuật thoát nước phải quản từ gốc đến ngọn tại một đơn vị đầu mối cấp thành phố, các cấp khác chỉ tập trung vào đầu tư theo kỹ thuật của đơn vị đầu mối duyệt, và khai thác, vận hành, bảo dưỡng theo qui mô cấp công trình.
 
(4) Tập trung vào thách thức về mặt dữ liệu khoa học để thành phố có bộ dữ liệu đầy đủ thông tin cần thiết đáng tin cậy về mặt số liệu. Sẽ giúp cho thành phố rõ tầm nhìn hoạch định quản lý, phục vụ cho điều chỉnh QH hiện tại và giải pháp thích nghi trong tương lai;
 
(5) Qui hoạch sử dụng đất với niên hạn và tầm nhìn 50 đến trên 100 năm, hạn chế thay đổi mục đích hay chỉ tiêu sử dụng đất nhằm để hạ tầng đã đầu tư không lạc hậu về mặt kỹ thuật. Do là mạng lưới thoát nước chung, nên cần phải gộp các loại qui hoạch thoát nước hiện hữu, điều chỉnh lại thành một qui hoạch duy nhất, kể cả qui hoạch cao độ nền (theo luật qui hoạch) nhằm đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt và tính kế thừa, tính khai thác hiệu quả;
 
(6) Phân vùng nhạy cảm về mặt ngập úng (cao trình dưới 2.0) để có chính sách sử dụng đất và phát triển đô thị bền vững trong vùng và liên vùng, nhất là định hướng phát triển kỹ thuật đô thị, kèm chính sách nhà đất hợp lý.
 
(7) Tập trung hoàn thiện các văn bản dưới luật - cấp địa phương nhằm có cơ sở xử lý hành chính, xử phạt, khởi tố được các hành vi liên quan đến việc gây cản trở đến công tác thoát nước. Việc triển khai hoạt động này do cơ quan đầu mối chủ trì chính trong giám sát, các địa phương cấp cơ sở triển khai và xem là mục tiêu để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của năm.
 
2. Công tác kỹ thuật
 
(1) Nghiên cứu đập làm giảm năng lượng dòng triều - như đề xuất của Ks Vũ Hải (không làm đê ngăn triều tuyệt đối) để tránh rủi ro cho lưu vực bên trong đập trong trường hợp thiên tai cực đoan;
 
(2) Đầu tư đê kè dọc bờ tả và hữu sông SG, kết hợp ưu tiên cho giao thông và cảnh quan. Kiểm soát triều - lũ trên sông Chợ Đệm - hạ nguồn, trên sông Vàm Cỏ Đông - thượng nguồn; Nghiên cứu loại trạm bơm công suất lớn phù hợp với từng tiểu vùng khi kết hợp với cống/đập ngăn triều cho kênh rạch thành hồ điều tiết tự nhiên;
 
(3) Do thiếu đất để xây dựng hồ điều tiết nhân tạo nên cần mở rộng tiết diện tính toán thủy lực của ống tính toán lên 30 - 40% nhằm tăng thể tích trữ trên mạng lưới mà không cần các tiểu hồ (quản lý vận hành hồ rất phức tạp), không phải giải tỏa mặt bằng, với dạng điều tiết tuyến thì có nhiều phát huy hơn điều tiết điểm có thể kết hợp dạng tuy-nen kỹ thuật chung cho hạ tầng sẽ khai thác, quản lý tốt phần nhược điểm của mạng lưới thoát nước chung;
 
(4) Phát triển công viên cây xanh khu vực, cần quan tâm đến lồng ghép hồ cảnh quan thành hồ đa chức năng, trong đó có chức năng điều tiết nước mưa. Hạ thấp cốt mặt đất của thảm xanh thực vật nhân tạo (công viên cây xanh, hành lang cây xanh theo trục giao thông) thấp hơn mặt đường giao thông, nhằm tạo hồ trữ nước lớp mỏng, tại các thể tích rỗng trữ nước ngắn hạn, giảm sự tập trung nước mưa, giảm áp lực cho mạng lưới ống ngầm thoát nước;
 
3. Công tác bổ trợ
 
(1) Trong năm 2020 - 2021 tiến hành nạo vét bề mặt tất cả các kênh rạch, thông thoáng các cửa xả, cửa tiếp nhận. Giám sát chặt chẻ các kênh rạch bằng cộng đồng thông qua các đoàn thể cấp cơ sở - khu phố/tổ dân phố. Cụ thể hóa bằng phong trào thi đua, khen thưởng đúng mức nhằm khuyến khích và nhân rộng.
 
(2) Đặt mục tiêu và thực hiện mềm hóa trong 10 năm đạt 3-5 triệu mét vuông (300-500ha) các vỉa hè, các mặt bằng nơi công cộng bằng các vật liệu thấm nước nhanh - nhiều, hoặc hạ cốt hoàn thiện mảng xanh xuống thấp hơn 10-20cm tạo lớp trữ nước mỏng.
 
(3) Thay đổi phương thức tuyên truyền từ phong trào, từ chiến dịch sang phương thức mệnh lệnh và kiểm soát, kể cả xử phạt, phạt nguội thông qua hình ảnh giám sát. Chương trình vận động người dân không xả rác và tự dọn rác trên các mặt hố thu nước trên mặt đường phải thành công trong thời gian ngắn nhất 2021-2022.
 
(4) Đấu thầu dịch vụ, cung ứng dịch vụ đầu tư, dịch vụ vận hành - khai thách sẽ thúc đẩy sự chuyên môn hóa cao hơn, đầu tư nhanh hơn là kiểu phân cấp giao nhiệm vụ theo kiểu truyền thống.
 
(5) Nghiên cứu đề án tiến đến thu phí thoát nước mưa đối với các công trình không có diện tích xây dựng kiên cố hết diện tích đất mà không có công trình điều tiết nước mưa. Song song đó cần có chính sách hỗ trơ kỹ thuật, tài chính, cơ chế cho các chủ thể, cá nhân có giải pháp triển khai tại chỗ trong việc tiêu hay điều tiết nước mưa cục bộ. Giải pháp trữ và tiêu nước tại hộ gia đình, công sở. Các cơ quan chính quyền phải đi đầu trong thực hiện giải pháp này.

(6) Nghiên cứu thí điểm bổ cập nước ngầm nhân tạo bằng nước mặt tại các khu vực đang diễn biến lún nhanh và cần có đánh giá khoa học cụ thể.
 
(7) Ủng hộ chương trình bảo vệ rừng đầu nguồn các địa phương lân cận thông qua các chương trình liên vùng, kể cả khu vực hồ chứa qui mô lớn đa chức năng liên vùng nhằm cắt lũ hay cắt đỉnh lưu lượng nước mưa tập trung.
-------------------------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO

 
1. NGUYỄN PHÚ DUYÊN: Ứng dụng kỹ thuật đồng vị rađon nghiên cứu hoạt động hiện đại của đứt gãy Sông Sài Gòn, liên quan đến sạt lở bờ sông và hoạt động địa chấn ngoài khơi phía Nam biển Đông, Viện Địa chất, Viện KH&CNVN, Phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội;
 
2. PHÙNG VĂN PHÁCH; Nghiên cứu cấu trúc-kiến tạo và địa động lực hiện đại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nhằm nâng cao khả năng thích ứng và giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh mực nước biển dâng cao. Viện địa chất và địa vật lý biển;
 
3. Báo Nhân Dân: Hệ thống đứt gãy kiến tạo sông Sài Gòn đã “trở mình (https://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/3192302-.html);
 
4. LÊ MẠNH HÙNG, NGUYỄN DUY KHANG, LÊ THANH CHƯƠNG: Xói lở, bồi tụ bờ biển Nam Bộ từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Kiên Giang - Nguyên nhân và các giải pháp bảo vệ. Tạp chí Khoa học & Công nghệ Thủy lợi thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam;
 
5. Tuyển tập báo cáo hội thảo tháng 11 năm 2019, (VIETWATER - HCM): Ngập úng đô thị - thực trạng và giải pháp. Hội cấp thoát nước Việt Nam - VWSA;
 
6. Tuyển tập báo cáo hội thảo tháng 11 năm 2016: Vấn đề ngập nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh - 40 năm nhìn lại. Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh;
 
7. TS.KTS LƯU ĐƯỚC CƯỜNG: Vai trò của quy hoạch đô thịtrong việc giải quyết tình trạng ngập lụt và thích ứng biến đổi khí hậu tại thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch Môi trường đô thị - nông thôn.

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1