Ngập úng đô thị có nguyên nhân quản lý yếu kém

Ngày 7/11, tại TP.Hồ Chí Minh, Hội Cấp thoát nước Việt Nam phối hợp với Informa Markets Viet Nam tổ chức Hội thảo " Ngập úng đô thị - Thực trạng và Giải pháp ".
 

Toàn cảnh Hội thảo
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam (Nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng đô thị, Bộ Xây dựng) cho biết, ngập úng đô thị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống hằng ngày của người dân, làm hư hại các công trình xây dựng, ô nhiễm môi trường... Ngập úng đang có xu hướng lan rộng từ các đô thị vùng đồng bằng, duyên hải ven biển đến các đô thị vùng trung du miền núi và cao nguyên. Trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện khá nhiều giải pháp để giảm thiểu ngập úng song hiệu quả không cao.

Hiện nay quy hoạch thoát nước đô thị mới chỉ thực hiện được 21 đồ án, hệ thống thoát nước chủ yếu là cống chung, tỉ lệ cống trên đầu người còn thấp so với thế giới, trung bình dưới 0,5m/người, trong khi thế giới 2m/người.

Ngoài mưa và triều cường, nguyên ngân chính gây ngập là tình trạng đô thị hóa, năng lực đơn vị quản lý, vận hành còn thấp, ý thức của người dân (xả rác vào hệ thống cống), sụt lún nền xảy ra...

Theo các chuyên gia nghiên cứu ngành nước thì có 2 nguyên nhân cơ bản gây ra ngập úng. Thứ nhất: Tình trạng ngập lụt do đặc điểm tự nhiên, địa hình, thủy triều, mưa và lũ thượng nguồn, đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu. Thứ hai là do con người gây ra như do yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, năng lực quản lý và ý thức của người dân...

Còn theo ông Vũ Hải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nước và môi trường TP.HCM, việc ngập úng có nhiều nguyên nhân, trong đó có mấy nguyên nhân chính: Ngập úng do triều cường; ngập do mưa & lũ ; do biến đổi khí hậu; sụt lún lãnh thổ; do phát triển đô thị quá nhanh, hạ tầng không theo kịp; do bê tông hóa quá mức; do quản lý yếu kém nên bùn làm tắc cống, kênh rạch; do thiết kế không đúng...

"Các giải pháp chống ngập mà thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chưa phù hợp, có nhiều nhược điểm, giá thành quá cao, nếu thực hiện sẽ không giải quyết được vấn đề, gây lãng phí..." ông Hải chia sẻ thêm.

Từ năm 2008 - 2018, TP.Hồ Chí Minh đã chi 22.948 tỉ đồng cho công tác chống ngập. Đến năm 2020 con số này sẽ lên tới 120.246 tỉ đồng và còn hơn nữa.

Tuy nhiên, việc ngập có giảm nhưng nhiều nơi ngập vẫn hoàn ngập, thậm chí năm sau lại ngập hơn năm trước, xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới...


Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ngành nước đến từ Hà Lan, Úc, Nhật Bản, Hungary, Malaysia và Việt Nam đã đưa ra giải pháp về chống ngập như lập quy hoạch tổng thể thoát nước; rà soát lại các dự án thoát nước hiện nay; chống ngập do triều cường bằng cách triển khai dự án "Đập ngăn triều thông minh kiểu mới"; giải pháp chống ngập do mưa; xử lý nước thải bảo vệ môi trường; đồng thời phải nhanh chóng đổi mới tư duy, thiết kế, điều hành quản lý.
 

Đại biểu đến từ VWSA, Hội nước Úc, Phần Lan và một số hội nước quốc tế tham dự hội thảo

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, Việt Nam là 1 trong 5 nước của khu vực Đông Nam Á sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một trong 3 đồng bằng trên thế giới có khả năng bị mất đất lớn nhất thế giới. Nếu mực nước biển dâng 1m thì Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% dân cư mất nhà cửa. Hậu quả của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là nghiêm trọng.

Diệp Anh

Bài viết cùng chuyên mục