Hội thảo Đào tạo nghề phối hợp trong ngành thoát nước

Chiều ngày 30/7, tại Hà Nội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Hội hợp tác ngành nước Đức đã phối hợp tổ chức Hội thảo Đào tạo nghề phối hợp trong ngành thoát nước. Hội thảo là một hoạt động của dự án TVET, hợp phần 03: Đổi mới đào tạo nghề Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam.
 

Toàn cảnh hội thảo
 
Tham dự hội thảo có bà Gunda Roestel - Chủ tịch Hội Hợp tác ngành nước Đức, ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, ông Phạm Xuân Điều - Trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng ngành nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, ông Phạm Văn Quân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghiệp Huế, ông Nguyễn Thạc Nghĩa - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng xây dựng số 1 cùng cán bộ Ban đào tạo, cán bộ văn phòng Hội Cấp thoát nước Việt Nam.
 

Ông Phạm Xuân Điều - Trưởng Ban Đào tạo VWSA


Bà Gunda Roestel - Chủ tịch Hội Hợp tác ngành nước Đức

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Xuân Điều - Trưởng Ban Đào tạo VWSA, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng ngành nước Việt Nam chân trọng gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ rất hiệu quả của Hội Hợp tác ngành nước Đức, dự án DEVIWAS cũng như cá nhân bà Gunda Roestel đối với sự phát triển của ngành và Hội Cấp thoát nước Việt Nam. 

Tham dự hội thảo, các đại biểu đã tham gia trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành thoát nước theo mô hình nhà trường kết hợp với doanh nghiệp, cụ thể như:

Kinh nghiệm của Đức trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề thoát nước.

Công tác truyền thông để tuyển sinh, truyền thông để người học cảm thấy yêu nghề, gắn bó với nghề, làm thế nào để khơi gợi được các phong trào khởi nghiệp trong ngành nước.

Làm sao để xây dựng chương trình đào tạo nghề thoát nước có sức lan tỏa, lôi cuốn người học, tạo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Sau đào tạo, làm thế nào để tiếp tục kết nối giữa Việt Nam và Đức để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa 2 bên.

Giữa doanh nghiệp và nhà trường phải có sự gắn kết trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực.

Đội ngũ giảng viên của cơ sở đào tạo, đội ngũ kỹ thuật là giảng viên của doanh nghiệp cần được tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm và cả kỹ năng chuyên môn để tham gia đào tạo cho sinh viên được tốt hơn.

Kinh nghiêm tổ chức thi tay nghề thoát nước của Đức cần được tham khảo và xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Bà Gunda Roestel đã trực tiếp chia sẻ với đại biểu các kinh nghiệm từ Đức liên quan đến các vấn đề trên.

Hội thảo kéo dài đến hết ngày 31/7/2019.
 
 
Bài, ảnh: Hà Thắm

Bài viết cùng chuyên mục