Công khai về chất lượng nước trên internet cho người dân

Vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. Tại đây, lãnh đạo TP yêu cầu các đơn vị cần cung cấp thông tin về chất lượng nước cho người dân.
 


Nhà máy nước mặt sông Đuống (xã Trung Mầu và Phù Đổng, huyện Gia Lâm).

Nước uống đạt tiêu chuẩn nước uống trực tiếp tại vòi

Nhà máy nước mặt sông Đuống có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, dự án gồm hai hợp phần chính là công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5ha tại xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm). Và có tuyến ống dẫn nước sạch dài 76km tại các quận Long Biên, Hoàng Mai, các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì và một số khu vực của tỉnh Hưng Yên.

Ông Đỗ Văn Định, Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết: dự án khai thác nguồn nước thô từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng ổn định; bảo đảm cung cấp nước sạch sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển. Dự án áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới; tiết kiệm chi phí xây dựng, chi phí quản lý vận hành; quy trình xử lý khép kín và không có nước xả thải ra môi trường. Chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn nước uống trực tiếp tại vòi. Tuyến ống truyền dẫn của nhà máy cũng được sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao, được điều khiển thông qua trung tâm điều khiển đặt tại nhà máy.

Dự án hiện đã vận hành và bảo đảm cấp nước ổn định giai đoạn 1 với công suất 150.000m3/ngày đêm từ tháng 10-2018. Giai đoạn 2 của nhà máy với công suất tăng lên đạt 300.000m3/ngày đêm hiện đang được gấp rút hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục và cung cấp thương mại chính thức trước lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-2019.

Tại buổi làm việc với Ban quản lý dự án Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, việc đưa nhà máy vào hoạt động sẽ tiến tới đóng lại hoàn toàn việc sử dụng nước ngầm, "vì việc hiện nay sử dụng nước ngầm gây ô nhiễm môi trường dẫn đến sụt lún". Thực tế cho thấy UBND thành phố đang chỉ đạo để thay thế từng bước nguồn cung cấp nước ngầm bằng nguồn cung nước mặt, giảm dần tỷ lệ nước sạch sinh hoạt được sản xuất từ 276 giếng khoan ngầm hiện nay. Việc sử dụng nước ngầm là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và sụt lún, chưa kể bản thân nước ngầm ở nhiều nơi cũng đang bị ô nhiễm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tham quan dây chuyền sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Cung cấp được thông tin về chất lượng nước trên mạng cho người dân

Trong số nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật của thành phố thì đây là dự án hiếm hỏi thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch, được thực hiện triển khai thi công nhanh chóng, trong vòng 15 tháng. Tuy nhiên theo Bí thư Thành ủy yêu cầu trong thời gian tới các đơn vị cần tiếp tục phát triển mạng lưới, "khi đầu tư với quy mô như hiện nay mà không có mạng lưới coi như chết". Theo lãnh đạo Thành ủy hiện nay ở các quận nội thành mới chỉ đáp ứng được xấp xỉ 100% về nhu cầu nước, trong khi đó một số nơi vẫn chưa đảm bảo được nguồn nước ngay trong đô thị. Việc này Bí thư yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là Sở Xây dựng cần đôn đốc các hợp đồng xây dựng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành ủy cho rằng các đơn vị làm quy hoạch nước sạch "phải nghiên cứu cấp cho toàn bộ khu vực nông thôn như là đô thị". Đặc biệt là "phải tính đến việc cấp cho các huyện, nhất là các huyện trong thời gian tới sẽ lên quận...nếu ngày hôm nay chúng ta không tư duy là đầu tư cho đô thị là sẽ gây lãnh phí mai sau" lãnh đạo Thành ủy nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu, nhà máy hiện được điều kiển hoàn toàn tự động từ trung tâm điều kiển, vì vậy Bí thư thành ủy yêu cầu "Sở TNMT phối hợp đấu nối hệ thống này với hệ thống quan trắc môi trường để nơi đây có thể cung cấp được thông tin về chất lượng nước trên mạng cho người dân, giống như mô hình của quan trắc không khí"...để người dân yên tâm sử dụng.

Trước mắt lãnh đạo thành ủy yêu cầu các đơn vị có liên quan phải kiểm soát được các nguồn xả thải ra sông Đuống, "việc này Sở NTMT cần phải nâng cao trách nhiệm, kiểm soát giấy phép xả thải và tiến hành xử lý nghiêm các vi phạm". Bí thư tThành ủy lo ngại "Chất lượng nước sông Đuống nếu như không giữ gìn, được kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải thì nguồn nước này lại giống như sông Nhuệ".

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện hệ thống cấp nước của thành phố còn yếu về nguồn cung, việc bơm nước thiếu áp lực cho nên nhiều gia đình vẫn phải mua thêm 2, 3 bình dự trữ nước để trên nóc nhà.
 
Những bồn nước sinh hoạt “treo” trên các nóc chung cư hay tòa nhà cao tầng gây mất mỹ quan và từ lâu vẫn là nỗi lo cho người dân.

Với thực tế này, lãnh đạo thành ủy yêu cầu "khi đảm bảo nguồn nước tốt rồi, các đơn vị phải coi trọng việc đảm bảo nguồn cung ổn định, để làm sao phải giảm được các bể nước, thùng nước", vì "nếu mỗi nóc nhà đặt 2, 3 bể nước thì không cách gì chúng ta đảm bảo được thành phố đẹp văn minh được" lãnh đạo thành ủy chia sẻ.

Nhu cầu sử dụng nước sạch của Hà Nội đến năm 2020 là khoảng 1,6 triệu m3/ngày đêm, đến năm 2030 dự kiến là 2,4 triệu m3/ngày đêm; trong khi sản lượng nước sạch hiện tại mới đạt 940.000 m3/ngày đêm. Việc đưa vào vận hành Nhà máy nước mặt sông Đuống có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống dân sinh và bảo vệ hệ thống nước ngầm thành phố.

N.Khánh

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1