Người dân vẫn “chê” nước sạch

Dù đã nỗ lực cung cấp nước sạch đến 100% hộ dân để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt an toàn cho người dân, nhưng ngành cấp nước TP.HCM đang gặp quá nhiều khó khăn do vẫn có một số lượng lớn người dân “chê” nước sạch và giữ thói quen sử dụng nước giếng.

Người dân vẫn “chê” nước sạch…

Cuối năm 2016, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đã huy động nguồn lực tài chính rất lớn để đầu tư đồng bộ về nguồn nước và mạng lưới cấp nước. Đơn vị này đã xây dựng 24 trạm cấp nước, phát triển trên 800.000 m đường ống cấp 3, lắp đặt 60 đồng hồ tổng và gắn mới 148.181 đồng hồ nước cho khách hàng, đạt tỷ lệ 100% hộ dân được cấp nước sạch. Thế nhưng, sau khi gắn đồng hồ, người dân vẫn tiếp tục sử dụng nước giếng, không sử dụng nước sạch hoặc sử dụng rất ít.

Thống kê mới đây cho thấy, số lượng khách hàng đã có đồng hồ nước nhưng không sử dụng chiếm 8% tổng số khách hàng (tương ứng khoảng 100.000 khách) và 11% khách hàng có mức tiêu thụ rất ít từ 1-4 m3 /tháng (tương ứng khoảng 138.000 khách). Trong đó, số lượng hộ dân không sử dụng nước tại các quận vùng ven cao hơn rất nhiều lần so với mức bình quân toàn thành phố. Đơn cử, tại huyện Hóc Môn, khách hàng không sử dụng nước sạch chiếm 25%; tại Q.12, khách hàng không sử dụng nước sạch chiếm 18%.

Theo đại diện Phòng Chăm sóc khách hàng SAWACO, nguyên nhân chủ yếu khiến người dân không sử dụng nước sạch là do có thói quen sử dụng nước giếng. Trước đây, khi hệ thống cấp nước thành phố chưa có nên phải sử dụng nước giếng, nay đã được cung cấp nước sạch nhưng vẫn duy trì “nếp” cũ. Mặt khác, nguồn nước ngầm tự khai thác có chi phí rẻ hơn so với nước sạch, đây là một trong những lý do chính dẫn đến việc các hộ gia đình không sử dụng nước sạch của đơn vị cấp nước, nhưng nếu tính đến những khoản mà xã hội phải bỏ ra để tái tạo nguồn nước ngầm, để chăm sóc sức khỏe thì chi phí này là rất lớn. “Chúng tôi cho rằng cần hết sức cẩn trọng với những suy nghĩ có thể đem lại lợi ích kinh tế trước mắt nhưng gây phương hại đến lợi ích của cộng đồng sau này” - vị này nhấn mạnh.

SAWACO cũng cho biết, trong tình hình vốn đầu tư còn hạn chế, việc đầu tư mạng lưới cấp nước còn gặp nhiều khó khăn, việc người dân vẫn tiếp tục sử dụng nước giếng khi đã có đồng hồ nước gây lãng phí. Hơn nữa, mặc dù khách hàng không sử dụng nước, đơn vị cấp nước vẫn phải tốn chi phí thực hiện các nghiệp vụ như những khách hàng khác để duy trì việc cung cấp nước liên tục.

… dù nước giếng kém an toàn.

Theo kết quả giám sát chất lượng nước ngầm (nguồn nước giếng tự khai thác) tại các hộ dân ở TP.HCM do Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM thực hiện, hầu hết các nguồn nước giếng đều không đạt tiêu chuẩn về nước dùng cho sinh hoạt (Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế) ở các chỉ tiêu pH, sắt và có khoảng 50% mẫu nước không đạt chỉ tiêu amoniac.

Chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn sạch sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân trong quá trình sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày. Hầu hết các mẫu nước ngầm đều có chỉ số pH thấp mang tính axit. Và, với nguồn nước có tính axit, khi uống vào sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến một số cơ quan nội tạng. Vả lại, với tính axit nhẹ sẽ gây ăn mòn các thiết bị sử dụng. Ngoài ra, theo khảo sát, những khu vực người dân sử dụng nước giếng, có hàm lượng sắt tương đối cao (dân gian thường gọi nước nhiễm phèn), vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế. Với hàm lượng sắt cao như vậy, sẽ gây ra hiện tượng ố vàng và đóng cặn trong các thiết bị, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt của người dân.

Nghiêm trọng hơn, theo khảo sát nồng độ amoniac tại các khu vực sử dụng nước giếng, có đến 50% mẫu có nồng độ vượt giới hạn cho phép. Với nguồn nước bị nhiễm ammoniac, chứng tỏ nước đã bị ô nhiễm hữu cơ, lâu dần sẽ chuyển hóa thành nitrit, nitrat - những chất có khả năng gây ung thư cho cơ thể con người.

Trong khi đó, nguồn nước sạch cung cấp đến người dân là nguồn nước bảo đảm chất lượng, đã qua, xử lý và quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt của các đơn vị chuyên môn, vẫn chưa được một bộ phận người dân sử dụng.

Theo ông Hoàng Thế Bảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Trung An: “Nước sạch khi cung cấp đến người dân đã được xử lý theo một quy trình công nghệ hoàn chỉnh, được kiểm tra nghiêm ngặt để loại bỏ các thành phần ô nhiễm như cặn lơ lửng, độ đục, vi sinh vật… và được châm chlorine để kiểm soát tái nhiễm khuẩn. Trong quá trình cung cấp đến người dân, nước sạch còn tiếp tục được các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, an toàn cho sức khỏe của người sử dụng, bảo đảm đạt quy chuẩn do Bộ Y tế quy định. Do vậy, việc sử dụng nước sạch sẽ bảo đảm an toàn, vì có đủ cơ sở minh chứng nguồn nước này chất lượng hơn sử dụng nước giếng tự khai thác”.
 
 Nguyễn Anh (nguoitieudung.com.vn)

Bài viết cùng chuyên mục