Hiện thực hóa ước mơ nước sạch cho người dân vùng Tây Bắc

Ngày 4/12/2018, tại Hà Nội, Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường đã tổ chức Hội thảo Tổng kết đề tài “Ngiên cứu ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp với vật liệu lọc đa năng để xử lý nước suối vùng Tây Bắc để cấp nước cho sinh hoạt”.
 

Tham dự hội thảo có các đại biểu là lãnh đạo Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang, Sở KHCN tỉnh Hà Giang, Trung tâm Nước sạch nông thôn huyuện Yên Minh, Viện Địa chất, Văn phòng Chương trình Tây Bắc, Đại học Tài nguyên môi trường, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Đông Đô, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Phương Đông, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng Hội Địa chất, cùng nhiều đại biểu đến từ các công ty doanh nghiệp khác… PGS.TS Ứng Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cũng đến tham dự và có ý kiến đóng góp tại hội thảo. 

“Ngiên cứu ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp với vật liệu lọc đa năng để xử lý nước suối vùng Tây bắc để cấp nước cho sinh hoạt” là đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013 – 2018: “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” được giao cho Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường thực hiện từ tháng 1/2017. 

Công nghệ màng lọc kết hợp với vật liệu lọc đa năng ở đây là công nghệ lọc vật liệu đa năng ODM-2F và lọc màng UF. Với nhiều ưu điểm, màng siêu lọc (UF) có thể sử dụng để xử lý tiếp tục và nâng cao sau khi qua một số công đoạn tiền xử lý nước mặt bằng phương pháp truyền thống để cấp sinh hoạt và ăn uống. Các loại màng lọc UF có thể loại bỏ được các phần tử ô nhiễm đặc trưng trong nguồn nước mặt như các chất hữu cơ tự nhiên, động vật đơn bào, vi khuẩn và virus mà các phương pháp truyền thống không thể loại bỏ được chúng. Các kết quả thử nghiệm ban đầu trên mô hình xử lý theo quy trình lọc zeolit - lọc màng UF cho thấy sau hệ thống này phần lớn các chỉ tiêu ô nhiễm trong nước suối Tà Vải và suối Nà Rược được loại bỏ đến dưới ngưỡng quy định của QCVN 02:2009/BYT đối với nước sinh hoạt. Các chỉ tiêu này cũng nằm trong giới hạn cho phép đối với nước ăn uống, tuy nhiên để đề phòng rủi ro, sau màng lọc UF nước cấp cần được khử trùng tiếp tục mới đảm bảo yêu cầu ăn uống.

Như vậy, từ các nghiên cứu này đề xuất mô hình xử lý nước mặt sông suối khu vực miền núi phía Bắc theo công nghệ lọc vật liệu đa năng ODM-2F và lọc màng UF để cấp nước sinh hoạt. Đây là mô hình hợp lý cho các cụm dân cư hoặc các đơn vị bộ đội biên phòng, nơi không có điều kiện cấp nước tập trung. Dự án cải thiện đáng kể điều kiện sống của các chiến sĩ, cán bộ, bà con nhân dân xung quanh khu vực, vấn đề sức khỏe sẽ được cải thiện do được sử dụng nguồn nước đảm bảo.

Mô hình công nghệ có ý nghĩa lớn đến kinh tế của khu vực, nó sẽ giúp hạn chế đường ống dẫn nước sạch từ các khu trung tâm về đến các buôn, bản làng ở vùng xâu, vùng xa sẽ tiết kiện được đường ống khá nhiều, giảm chi phí khấu hao cho việc cấp nước đến người dân và mặt đô thị hóa đẹp hơn.

Dự án cải thiện đáng kể điều kiện sống của các cán bộ, chiến sĩ, bà con nhân dân thông qua việc cấp nguồn nước đảm bảo. Vấn đề sức khỏe cũng sẽ được cải thiện do chất lượng nguồn nước đảm bảo. Môi trường sống tốt sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, giảm tỉ lệ mắc các bệnh tật, tăng tuổi thọ của con người. 
 

Ông Đặng Xuân Thường - Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường cho biết: Sản phẩm của đề tài là 02 trạm xử lý nước với công suất 50m m3/h. Mô hình hoạt động trung bình 10h - 12h trên ngày sẽ tạo ra được một lượng nước lớn lên tới 600m3/ngày, với nhu cầu sử dụng nước của người dân ở vùng nông thôn trung bình khoảng 80 lít/người/ngày tương ứng 0,08m3/ngày. Như vậy với công suất của mô hình một ngày sẽ đảm bảo cung cấp nước sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của 7500 người, một con số rất lớn ở khu vực miền núi Tây Bắc, đáp ứng được nguyện vọng của người dân về nguồn nước đảm bảo, thỏa mãn nhu cầu của người dân cung cấp dịch vụ cấp nước sạch tiêu dùng hàng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đây là một dự án đầu tư về môi trường vì thế nó không những góp phần mang đến môi trường sống đảm bảo, đẩy lùi các bệnh tật cho các chiến sĩ Trung đoàn 877, Trường Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang và người dân xung quanh xã Ngọc Đường, phường Ngọc Hà, người dân khu vực tại Huyện Yên Minh mà còn đảm bảo sự phát triển đồng đều của hệ thống cơ sở hạ tầng, giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã, phường, thị trấn nói riêng và cho cả tỉnh Hà Giang nói chung. 

Hiệu quả của đề tài cũng như sản phẩm đầu ra được các nhà khoa học cũng như các đơn vị được thụ hưởng đánh giá rất cao. Được biết, UBND tỉnh Hà Giang, Sơn La, Yên Bái đã có công văn xin nhân rộng mô hình tại một số địa phương trong tỉnh. 
 

 
Tham dự hội thảo, PGS.TS Ứng Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã chúc mừng và đánh giá cao viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường - một hội viên trẻ của Hội đã thực hiện thành công một đề tài mang ý nghĩa thực tiễn xã hội sâu sắc trong chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Về chuyên ngành Phó Chủ tịch Hội CTN Việt Nam đánh giá: Đề tài được triển khai một cách bài bản với 5 nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Về nguồn nước suối Tà Vải và Nà Rược nên có số liệu theo dõi nhiều năm hơn để đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước theo các kịch bản biến đổi khí hậu. Về công nghệ xử lý nước cấp cần chú ý chuyển qua vận hành trạm vì đang triển khai tại vùng sâu, vùng xa. Chú ý đảm bảo chất lượng nước sau cột lọc (Zeolit) áp lực để thiết bị lọc UF đạt hiệu quả và kéo dài tuổi thọ. Trong tương lại, cần nội địa hóa vật liệu lọc cho cột lọc áp lực để chủ động và giảm chi phí. Giá thành phẩm 1m3 nước cần được tính toán chuẩn xác vì ở Tà Vải là 2.700đ/m3, còn ở Nà Ruộc thì gần gấp đôi.

Theo tiến độ dự kiến sắp tới đề tài sẽ thực hiện hoàn thiện báo cáo và nghiệm thu kết quả đề tài. Ngoài ra, nghiên cứu đánh giá khả năng nhân rộng mô hình của đề tài trong phạm vi vùng Tây Bắc, góp phần vào thay đổi và phát triển bền vững đời sống khu vực vùng cao.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO















 
Hà Thắm

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1