Quy hoạch cấp nước: Bài toán lượng và chất

Đồ án Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi là khu vực đô thị và nông thôn liền kề và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013. Căn cứ đồ án này, thành phố Hà Nội cũng đã lập Quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, việc phát triển hệ thống cấp nước cho đô thị và nông thôn hầu như bị chậm so với kế hoạch. Bên cạnh đó, nội dung Quy hoạch cấp nước Hà Nội bộc lộ rõ một số bất cập, chưa phù hợp với tốc độ phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và thực tế quản lý đầu tư phát triển cấp nước của Thủ đô, điều này đòi hỏi phải có những sự điều chỉnh phù hợp.
 
Vẫn còn nhiều bất cập
 
Theo ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, dân số Hà Nội khoảng 7,740 triệu người, trong đó khu vực 12 quận nội thành với quy mô dân số khoảng 3,460 triệu người. Tại khu vực nội thành, hiện nay, các đơn vị cung cấp nước trên địa bàn đã đáp ứng được khoảng hơn 1.000.000m3 nước/ngày đêm, tăng so với năm 2017 khoảng 75.000m3/ngđ. Theo tiêu chuẩn này tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước gần đạt 100%. Tuy nhiên, còn một số hộ dân vẫn sử dụng nguồn cấp nước cục bộ và chưa đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung của Thành phố (thuộc quận Nam, Bắc Từ Liêm).

Nhà máy nước mặt sông Đuống thi công lắp đặt đường ống cấp nước

Tại khu vực huyện, thị xã, từ tháng 6/2016 đến nay, Thành phố đã chấp thuận cho 23 Nhà đầu tư triển khai 34 dự án, tập trung chỉ đạo các nhà đầu tư khẩn trương thực hiện xây dựng mạng lưới cấp nước đảm bảo khả năng đấu nối cấp nước cho khoảng gần 52% số người dân nông thôn sử dụng và tiếp cận nguồn nước sạch (tương đương khoảng 2.237.008 người) tăng so với năm 2016 ( 37,2%).
 
Các dự án hoàn thành sẽ nâng tổng số xã được cấp nước sạch lên 382/416 xã, khoảng 1.017.847 hộ, với khoảng 4.071.389 người dân nông thôn được cấp nước sạch đạt tỷ lệ khoảng 94%. Dự kiến đến 31/12/2020 sẽ phấn đấu đầu tư hệ thống cấp nước cho toàn bộ 416 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ 100%. Mục tiêu trước mắt trong năm 2018 một số dự án phát triển mạng cấp nước sẽ hoàn thành, đấu nối cấp nước bổ sung cho khoảng 61.000 hộ với khoảng 244.000 người, nâng tỷ lệ cấp nước nông thôn tăng lên trên 55%.
 
Như vậy, với việc nhiều dự án đã triển khai và sớm đưa vào vận hành, khai thác góp phần tăng tỷ lệ số người dân được cung cấp nước sạch tại khu vực nông thôn từ 37,2% (năm 2016) lên 52%. Tuy nhiên, hiện nay một số nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án chậm ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp nước sạch cho người dân. Đặc biệt, nhiều dự án mặc dù đã hoàn thành nhưng tỷ lệ đăng ký đấu nối sử dụng nước sạch còn thấp, do vậy chưa thể phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án. Việc làm này đã ảnh hưởng phần nào đến kế hoạch triển khác các dự án mạng của nhà đầu tư.
 
Nâng cao tiêu chuẩn
 
Một vấn đề nữa cũng được đặt ra đó là nguồn cấp nước cho đô thị Hà Nội hiện nay vẫn chủ yếu là nguồn nước ngầm. Trong khi đó nhiều giếng có hàm lượng sắt cao tại các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hà Đông, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Các giếng tại các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân, Long Biên có hàm lượng mangan cao. Các giếng tại các quận ở phía Nam và Đông Nam Thành phố bị ô nhiễm, một số nơi hàm lượng amoni rất cao như nhà máy nước Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai và có dấu hiệu bị nhiễm bẩn bởi nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp.
 
Vì lý do trên, trong quá trình lập Quy hoạch điều chỉnh cấp nước Hà Nội cần nghiên cứu kỹ, đưa ra lộ trình cắt giảm việc sử dụng nước ngầm. Nếu không giải quyết vấn đề này sẽ làm giảm chất lượng nước cung cấp cho khách hàng, gây khó khăn cho các đơn vị cấp nước trong vấn đề xử lý và giá thành nước sẽ tăng cao do phải lắp thêm công nghệ xử lý các chất độc hại. Bênh cạnh đó, tiêu chuẩn giá nước sạch và giá nước sạch tại vòi cũng đang làm khó nhà đầu tư, theo ông Đỗ Văn Định- Giám đốc Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống đủ tiêu chuẩn nước uống tại vòi.
 
Tuy nhiên đơn vị này chỉ lắp đặt đường ống nước mới những trục chính và hệ thống ống nước vào tận nhà dân ở một số phường xã. Như vậy dù nước đạt tiêu chuẩn uống tại vòi nhưng khi đấu nói vào đường ống cũ có thể ảnh hưởng chất lượng nguồn nước, do đó giá thành cũng sẽ bị hạn chế.
 
Được biết, để xử lý các vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan, doanh nghiệp nước sạch của thành phố tập trung rà soát giá nước sạch trên địa bàn thành phố theo tiêu chuẩn nước uống tại vòi. UBND Thành phố cũng đã giao Sở Y tế, Sở Xây dựng khẩn trương tham mưu, báo cáo Bộ Y tế, Xây dựng sớm hướng dẫn ban hành tiêu chuẩn về nước sạch uống trực tiếp tại vòi và lộ trình thực hiện làm cơ sở để các đơn vị cấp nước triển khai thực hiện. Các công ty kinh doanh nước sạch, các nhà đầu tư đã triển khai dự án cấp nước thực hiện rà soát thực trạng hệ thống cấp nước của đơn vị để xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư, cải tạo công nghệ xử lý nước hiện đại, thực hiện xúc xả, thay thế đường ống đã xuống cấp.
Theo laodongthudo.vn
 

Bài viết cùng chuyên mục