Nhà máy nước mặt Sông Đuống hạ thuỷ thành công tuyến ống qua sông

​Trong 2 ngày 15-16/9, 3 tuyến ống HDPE dẫn nước đường kính 1000mm, chiều dài mỗi ống hơn 300m vừa được hạ thủy thành công xuống lòng sông Đuống.

Nhà máy nước mặt sông Đuống - dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất miền Bắc - đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ thi công tất cả các hạng mục công trình để kịp khánh thành và cấp nước cho người dân Thủ đô vào đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô 10/10 năm nay.

Trong 2 ngày 15 - 16/9 vừa qua, 3 tuyến ống HDPE dẫn nước đường kính 1000mm, chiều dài mỗi ống hơn 300m vừa được hạ thủy thành công xuống lòng sông Đuống tại khu vực Km49+500 thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Đây là một trong những hạng mục thi công quan trọng nhất của giai đoạn 1 Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.

3 tuyến ống HDPE dẫn nước đường kính 1000mm, chiều dài mỗi ống hơn 300m, có tổng chiều dài hơn 1000m vừa được hạ thủy thành công xuống lòng sông Đuống

Theo thiết kế, các tuyến ống dẫn nước từ Nhà máy nước sạch tới khu vực dân cư phải vượt qua 3 con sông, trong đó có 2 sông lớn là sông Hồng và sông Đuống, đều được thi công bằng phương pháp đánh chìm qua sông.

Hiện tại, đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật đánh chìm đường ống cỡ lớn và với quy mô lớn nhất, đoạn đánh chìm qua lòng sông Đuống có chiều dài trên 200m và qua lòng sông Hồng dài trên 500m. Toàn bộ quá trình thi công được tiến hành hết sức cẩn trọng, chính xác, đảm bảo trong mọi điều kiện và địa hình, đường ống không thể bị vỡ hoặc rò rỉ.

Trước đó nhiều tháng, các đơn vị thi công đã phải tiến hành hút cát, nạo vét lòng sông, độ sâu tính từ mặt nước xuống vị trí đặt ống khoảng 20m. Đây chính là 2 điểm nút khó khăn nhất của dự án, vì bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất trong thi công, để đảm bảo an toàn, toàn bộ tuyến ống ở đây phải được đặt chìm dưới đáy sông, không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện vận tải thủy.

Điều kiện thời tiết, khí hậu miền Bắc thời gian qua không thuận lợi do mưa bão, lũ về, mực nước sông dâng cao đã gây khó khăn rất lớn đến quá trình thi công. Do đó, các kỹ sư, chuyên gia và công nhân của Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đã phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn và nỗ lực để kịp tiến độ của công trình.

Người nhái lặn để kiểm tra ống dưới lòng sông đã nằm đúng vị trí mương đào hay chưa sau khi ống đã được đánh chìm

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa, Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, công trình trọng điểm của Hà Nội sẽ được hoàn thành, chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô. Khi đi vào vận hành, nhà máy này sẽ đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội và dần thay thế nguồn nước ngầm đang có nguy cơ ô nhiễm cao.

Ông Đỗ Văn Định, Giám đốc Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết: "Giai đoạn 1A của dự án với tổng chiều dài toàn bộ tuyến ống là 60km, trong đó có 2 điểm chúng tôi bắt buộc phải băng qua sông là sông Đuống và sông Hồng. Như các bạn đã biết ở Việt Nam hiện nay chưa có một dự án nào áp dụng việc hạ thủy ống ngang qua lòng sông Hồng và lòng sông Đuống. Đây là dự án đầu tiên Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống áp dụng công nghệ này, đòi hỏi chúng tôi phải xử lý được những thách thức về mặt khoa học kỹ thuật và các khó khăn khác. Cho tới thời điểm này, có thể khẳng định rằng, chúng tôi đã thành công trong việc hạ thủy đường ống HDPE chìm xuống lòng sông Đuống".

"Sông Đuống có mực nước sâu, dòng chảy tốc độ rất cao, đặc biệt để đảm bảo tiến độ của dự án, chúng tôi bắt buộc phải thi công vào mùa lũ. Chúng tôi phải tranh thủ con nước từng ngày, từng giờ. Rất may cho Ban quản lý dự án là trong thời điểm vừa rồi là thời điểm vừa kết thúc các cơn bão, tốc độ dòng chảy đã nằm trong phạm vi có thể kiểm soát được", ông Định cho biết thêm.

Toàn cảnh Nhà máy nước mặt Sông Đuống

Chủ tịch HĐQT Nhà máy nước mặt Sông Đuống, bà Đỗ Thị Kim Liên chia sẻ: "Đây là thành công vượt bậc, vượt khả năng... Những kỹ sư, công nhân, chuyên gia của chúng tôi đã làm việc rất xuất sắc để có thể đánh chìm ống nước xuống lòng sông sâu 20m trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Dù là người trong cuộc, đứng đầu của dự án, nhưng tôi vẫn không thể hình dung kỹ sư Việt Nam mình lại có thể làm được những điều đó…

Tôi rất tự hào khi được làm việc với những chuyên gia, kỹ sư, cộng sự của Nhà máy nước mặt Sông Đuống - những người luôn làm việc với tinh thần, quyết tâm cao như vậy. Chúng tôi sẽ không thể thực hiện được tốt công trình quy mô lớn nhất tại Việt Nam như thế, nếu không có họ. Đây chính là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện khát khao mang nguồn nước sạch đến toàn bộ 100 triệu dân Việt Nam. Hôm nay là là một ngày rất đặc biệt, là dấu ấn lịch sử của ngành nước Việt Nam".

"Bên cạnh những nỗ lực của toàn thể nhà máy, chúng tôi tri ân sự ủng hộ từ nhân dân, lãnh đạo Thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương... Nếu không có sự đồng hành của bà con và chính quyền, chúng tôi đã không thể hoàn thành dự án trong khoảng thời gian áp lực như vậy. Chúng tôi cam kết đúng ngày 10/10/2018 - Ngày giải phóng Thủ đô, những dòng nước sạch đầu tiên sẽ được chuyển đến tận nhà bà con tại những vùng có đường ống của nhà máy được hoàn thành giai đoạn 1 đi qua, tại Thủ đô Hà Nội”, bà Liên chia sẻ.

Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển bền vững, nhà đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống đang nghiên cứu và sẽ áp dụng các giải pháp tái sử dụng bùn thải cùng với việc tận dụng mặt bằng thuận lợi để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để tận dụng nguồn năng lượng sạch và tiết kiệm chi phí.

Dự án hiện đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục nhà máy nước và tuyến ống truyền dẫn; dự kiến sẽ tiến hành chạy thử; xúc xả trong tháng 9/2018 và phát nước thương mại chính thức vào Lễ kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2018).
Theo TN&MT

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1