Bình Định: Phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước mặt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

Trong tháng 8, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 2584/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 – Nội dung phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt.
 
Mục tiêu của quy hoạch nhằm phân bổ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Định đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước; bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước mặt phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. 

Cụ thể, phân bổ nguồn nước đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của các ngành trong kỳ quy hoạch. Giai đoạn đến năm 2020 – 2025 – 2035 đáp ứng tổng nhu cầu sử dụng nước toàn tỉnh là: 1,26 – 1,35 – 1,48 tỷ m3/năm. Bảo vệ tài nguyên nước đảm bảo mục tiêu chất lượng theo quy chuẩn hiện hành để phục vụ cho mục đích sử dụng nước sinh hoạt và các mục đích khác, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, môi trường đến năm 2025 – 2035. Đến năm 2035 các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước được kiểm soát 100% theo quy định của pháp luật.

Quyết định cũng nêu, toàn tỉnh Bình Định có trữ lượng nước mặt tiềm năng khoảng 9,34 tỷ m3/năm. Theo đó, nguồn nước phân bổ thuộc 51 sông, suối và các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện hiện có và quy hoạch theo giai đoạn đến năm 2020 là 167 hồ chứa, đến năm 2025 là 171 hồ chứa và đến năm 2035 là 198 hồ chứa. 

 
Quyết định nêu rõ, nguyên tắc phân bổ tài nguyên nước phải đảm bảo cung cấp đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho tất cả các đối tượng sử dụng theo từng giải đoạn quy hoạch; tận dụng tối đa nguồn nước mặt. Ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng theo thứ tự: Đảm bảo đủ nước sử dụng cho sinh hoạt cả về số lượng và chất lượng; đảm bảo dòng chảy tối thiểu để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông, bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh; đảm bảo yêu cầu nước cho phát triển công nghiệp, ưu tiên các Khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp đóng góp giá trị kinh tế lớn cho tỉnh; đảm bảo cung cấp nước cho ngành nông nghiệp.

Về quy hoạch bảo vệ nguồn nước mặt: Quản lý, bảo vệ tài nguyên nước hạn chế bị ô nhiễm, đáp ứng mục tiêu chất lượng nước cho các ngành, các đối tượng khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn đến năm 2020: Bảo vệ tài nguyên nước mặt đạt chất lượng cột A2 QCVN 08-MT:2005/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, đảm bảo chất lượng phục vụ cấp nước sinh hoạt, công nghiệp tại 18 đoạn sông, suối; đạt chất lượng cột B1 QCVN 08-MT:2015/BTNMT, đảm bảo phục vụ cho mục đích cấp nước nông nghiệp tại các đoạn sông, suối còn lại. Giai đoạn 2025-2035: Bảo vệ tài nguyên nước mặt đạt chất lượng cột A2 QCVN 08-MT:2005/BTNMT, đảm bảo chất lượng phục vụ cấp nước sinh hoạt, công nghiệp tại 22 đoạn sông, suối; đạt chất lượng cột B1 QCVN 08-MT: 2015/BTNMT phục vụ cho mục đích cấp nước nông nghiệp tại các đoạn sông, suối còn lại.

Bảo vệ theo từng loại hình phát sinh nước thải, đến năm 2020 – 2025: Nước thải công nghiệp đạt 85% cơ sở phát sinh nước thải phải có hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nước thải y tế  đạt 100% các cơ sở y tế cấp tỉnh, huyện, thị xã phải có hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nước thải sinh hoạt đạt 100% đô thị mới phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nước thải chăn nuôi đạt 90% các cơ sở chăn nuôi thuộc trường hợp cấp phép xả nước thải phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đến năm 2035: 100% các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị phát sinh nước thải thuộc trường hợp phải cấp phép phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất lượng nước thải trước khi xả vào nguồn tiếp nhận phải đạt thông số chất lượng nước cột A của các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bảo vệ nguồn sinh thủy tại 04 khu vực rừng đầu nguồn thuộc các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân; bảo vệ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các đầm trên địa bàn tỉnh; bảo tồn 08 nguồn nước có giá trị văn hóa, thể thao, di tích lịch sử.

Quyết định cũng nêu ra các giải pháp thực hiện quy hoạch bao gồm: Nhóm giải pháp về quản lý nhà nước; nhóm giải pháp về khoa học, công nghệ; và nhóm giải pháp về công trình.

UBND tỉnh Bình Định giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố Quy hoạch; hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án, bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, nội dung, giải pháp của Quy hoạch này.
Theo Cục quản lý Tài nguyên nước
 

Bài viết cùng chuyên mục