Hơn 75% dân số châu Á nguy cơ thiếu nước sạch trầm trọng

Với tình trạng môi trường, dân số và kinh tế như hiện nay, hơn 75% dân số các nước châu Á – Thái Bình Dương có nguy cơ sẽ phải sống trong cảnh thiếu nước sạch trầm trọng.

 
Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts sau nhiều mô phỏng viễn cảnh khí hậu tương lai tại khu vực này đã từng công bố trên ấn phẩm khoa học PLOS One, chỉ ra rằng sự thiếu hụt nguồn nước không chỉ đơn thuần là hệ quả của biến đổi khí hậu và các sức ép đối với môi trường.
 
Các yếu tố khác cũng cần được xem xét cẩn trọng nếu con người muốn tìm được cách tiếp cận hiệu quả nhất trong việc giải quyết sự thiếu hụt nguồn tài nguyên vô giá này.
 
Đồng phụ trách dự án - ông Adam Schlosser, nhấn mạnh: “Đây không chỉ là một vấn đề có liên quan đến biến đổi khí hậu. Chúng ta không thể lờ đi tác động từ dân số và sự tăng trưởng kinh tế - những yếu tố trực tiếp làm tăng nhu cầu và ảnh hưởng đến cách phân bổ các nguồn tài nguyên”.
 
Các nhà khoa học cũng nhận thấy sự tăng trưởng và biến đổi khí hậu trong vòng 35 năm tới sẽ khiến ít nhất 1 tỷ người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng tại châu Á.

Các quốc gia châu Á sẽ đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch trong những năm tới.
Theo một nghiên cứu chung của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Diễn đàn Nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APWF) cho thấy hơn 75% quốc gia trong khu vực này đang trải qua mối đe dọa thiếu nước nghiêm trọng, nhiều nước trong số đó phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước sắp xảy ra, trừ khi họ thực hiện ngay lập tức các biện pháp cải thiện quản lý tài nguyên nước.

Bindu Lohani, Phó Chủ tịch ADB về Quản lý Tri thức và Phát triển bền vững cho biết, nghiên cứu Triển vọng Phát triển Nước ở châu Á năm 2013 đã đưa ra các phân tích định lượng và toàn diện đầu tiên về an ninh nước trên cơ sở từng quốc gia trong khu vực. Nghiên cứu xem xét tất cả các cấp độ an ninh nước, từ cấp hộ gia đình cho đến các thảm họa liên quan đến nước, và sử dụng các chỉ số cùng hệ thống bậc thang để xếp hạng sự tiến bộ của mỗi nước trong số 49 quốc gia được đánh giá.

Nghiên cứu cho thấy rằng 37 quốc gia đang phát triển trong khu vực hoặc có mức an ninh nước thấp hoặc chỉ bắt đầu tham gia vào nhiệm vụ cốt yếu về cải thiện an ninh nước, trong khi 12 quốc gia khác đã thành lập hệ thống cơ sở hạ tầng và quản lý nguồn nước. Tuy nhiên, không có quốc gia nào trong khu vực cho thấy đã đạt đến cấp độ mô hình cao nhất về an ninh nước.


TS Nguyễn Văn Nam, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trao đổi với SGGP cho biết, hiện nay trong hệ sinh thái có trên 1.500 tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước đã được xác định, bao gồm nhóm chất rắn không hòa tan: Chất rắn keo, chất rắn lơ lửng không lắng được, chất rắn lơ lửng lắng được; nhóm các hợp chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học: Protein, chất béo… tổng lượng chất hữu cơ này thường đo bằng chỉ số BOD (Biochemical Oxygen Demand).

Các hợp chất này tạo nên sự thiếu hụt oxy, làm mất cân bằng sinh thái trong nguồn nước, thậm chí tạo ra điều kiện kỵ khí; nhóm các loại dầu mỡ là chất lỏng khó tan trong nước, có thành phần hóa học phức tạp. Độc tính và tác động sinh thái của dầu mỡ phụ thuộc vào loại dầu và cuối cùng là tác nhân từ quá trình thải các chất độc hại (dưới dạng lỏng, rắn, khí) qua hoạt động sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giao thông… vào môi trường nước. Tất cả nguyên nhân trên đã và đang gây ra những “dòng sông chết”, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của con người.

Các nhà khoa học đã chứng minh, ô nhiễm nguồn nước đang gây ra những hệ lụy khó lường, như ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày (tắm, rửa), giải trí... bị thay đổi; gây mùi hôi thối xung quanh, khiến người dân thay đổi cách sinh hoạt. Nguồn nước ô nhiễm cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, đặc biệt tại các đô thị lớn - nơi có hàm lượng chất ô nhiễm cao, giảm thiểu năng suất cây trồng, có những khu đất phải bỏ không vì ô nhiễm quá nặng, ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động nuôi trồng thủy hải sản...

Với sự gia tăng của các khu công nghiệp, khu đô thị, cũng như gia tăng dân số khiến ô nhiễm nguồn nước đang trở thành vấn nạn đáng báo động do những hoạt động sản xuất, khai thác của con người.

Là một quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng theo thống kê của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, khoảng 20% dân cư tại Việt Nam chưa được tiếp cận nguồn nước sạch.

Tại Việt Nam, mức độ ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước đang trong tình trạng báo động. Thiếu nước, hạn hán hiện đang rất gay gắt tại nhiều nơi cả thành thị lẫn nông thôn.

Tình trạng thiếu nước sạch tại Việt Nam cũng đáng báo động. Ảnh: Internet

Nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, xâm nhập mặn trên diện rộng do việc các chất thải từ sản xuất, sinh hoạt, khai thác tràn lan, thiếu quy hoạch và không có kế hoạch bảo vệ nguồn nước. Hầu hết đô thị lớn đều bị ô nhiễm nguồn nước ngầm, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Dẫn thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, báo Sức khỏe và đời sống đưa tin, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì sử dụng nguồn nước ô nhiễm và điều kiện vệ sinh kém. Hàng năm, có gần 200.000 người mắc bệnh ung thư, 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp phải nhập viện mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
 

Bài viết cùng chuyên mục