Bảo đảm bền vững nguồn nước để Tây Nguyên phát triển

Trong 3 năm qua, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, tình trạng hạn hán xảy ra liên tục và có lúc rất gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Quy hoạch sử dụng hiệu quả nguồn nước là vấn đề cấp thiết để Tây Nguyên phát triển bền vững.
Hạn hán khiến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông ngày càng trở nên khan hiếm, tác động lớn đến cây trồng và sản xuất nông nghiệp. Ở Tây Nguyên, nông nghiệp là ngành kinh tế chính với tỷ lệ chiếm đến 90%, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng toàn vùng hiện đang thiếu khoảng 5 tỷ mét khối nước/năm và đến năm 2030 sẽ thiếu 5,5 tỷ mét khối nước/năm. Thiếu nước, Tây Nguyên sẽ thiếu lương thực và cuộc sống người dân sẽ rất khó khăn, do đó phải tích cực chống hạn và xác định nhiều giải pháp phù hợp để bảo đảm nguồn nước cho cây trồng. Hiện nay ở vùng này đang là mùa mưa, một số nơi đã có mưa trên diện rộng nên tình hình khô hạn bớt khốc liệt, tuy nhiên, lượng mưa chưa đủ sức đem lại độ ẩm cho cây trồng, đặc biệt là các loại cây nông nghiệp như: Lúa nước, bắp, đậu… Một số địa phương phía đông của tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum tiếp giáp với các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, hàng trăm hộ dân vẫn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt do nắng hạn.



Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, với diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu nên nhiệt độ trung bình trong mùa khô 2017-2018 xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến khả năng thiếu nước để sản xuất cao hơn so với năm trước. Nguyên nhân của tình trạng khô hạn, thiếu nước là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài bất thường và việc hàng nghìn héc-ta rừng ở Tây Nguyên đã bị triệt hạ, thiếu độ che phủ, đất đai sụt lún, bạc màu; hơn 287 dự án thủy điện đã ngăn sông tích nước, ngăn dòng chảy tự nhiên. Trong khi đó, người dân địa phương tự ý mở rộng diện tích không theo quy hoạch để trồng cây công nghiệp như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, chanh dây… cũng dẫn tới tình trạng khai phá đất rừng, sử dụng nguồn nước ngầm cạn kiệt. Những nguyên nhân trên dẫn đến tình trạng khan hiếm, thiếu nước về mùa khô và lũ, lụt về mùa mưa ngày càng tăng gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Thực tế, hiện toàn vùng Tây Nguyên đã xây dựng được 2.354 công trình thủy lợi, trong đó 1.190 hồ chứa, 972 đập dâng, 130 trạm bơm, 62 công trình khác nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện lượng nước chỉ còn 30-40% dung tích thiết kế. Vì vậy, chỉ tính riêng trong lĩnh vực phục vụ tưới tiêu cho phát triển nông nghiệp, hệ thống thủy lợi trên địa bàn Tây Nguyên mới chỉ đáp ứng được gần 28% so với diện tích cần tưới.
Để quy hoạch, sử dụng bền vững nguồn nước ở Tây Nguyên, phục vụ đời sống lao động và sinh hoạt của người dân, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng đề án nhằm quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Đề án tập trung vào việc điều tiết, giảm tình trạng khan hiếm, thiếu nước về mùa khô và lũ, lụt về mùa mưa; xác định những giải pháp cấp bách trong công tác quản lý tài nguyên nước trên lưu vực sông Sê San và Sê-rê-pốc; đồng thời giải quyết các vấn đề thách thức mang tính liên ngành, liên địa phương, thực hiện điều phối, giám sát việc phân bổ, chia sẻ tài nguyên nước bảo đảm nhu cầu khai thác, sử dụng nước và bảo vệ môi trường lưu vực sông cũng như sự phát triển bền vững trên toàn lưu vực.
 
Cùng với các giải pháp khoa học trong quản lý và sử dụng nguồn nước, để phát triển bền vững, chính quyền địa phương khu vực Tây Nguyên cần chủ động nghiên cứu, đánh giá đúng tiềm năng tổ chức các vùng sản xuất chuyên canh, vừa tạo thuận lợi trong đầu tư, xây dựng hệ thống thủy lợi, vừa phát huy được thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước; đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Quy hoạch gắn liền với bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn nước cũng như hạn chế thấp nhất các tác nhân, nhất là việc phá rừng chính là những giải pháp bền vững để kinh tế Tây Nguyên phát triển. 
Theo QĐND
 

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1