Họp góp ý Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh và sông Trà Khúc


Quang cảnh buổi họp

Chiều ngày 29/6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp góp ý Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh và lưu vực sông Trà Khúc, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, các thành viên Tổ soạn thảo, đại diện một số đơn vị như: Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Cục Điều tiết điện lực; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định cùng đại diện các đơn vị quản lý, vận hành thủy điện, hồ chứa thuộc QTVHLHC trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh và lưu vực sông Trà Khúc.


Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cho biết, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh bao gồm các hồ: Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B,  Vĩnh Sơn C, Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom 1, Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh và Văn Phong đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, thực hiện từ mùa lũ năm 2014 đến nay (theo Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2014) và thực hiện đồng thời cả mùa lũ, mùa cạn từ năm 2015 đến nay (theo Quyết định số 1841/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2015) nhằm đảm bảo yêu cầu về phòng, chống lũ và đảm bảo cấp nước dưới hạ du sông Kôn - Hà Thanh. 

Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc bao gồm hai hồ là Dakđrinh và Nước Trong đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, thực hiện đồng thời cả mùa lũ, mùa cạn từ năm 2015 đến nay (theo Quyết định số 1840/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2015) nhằm đảm bảo yêu cầu về phòng, chống lũ và đảm bảo cấp nước dưới hạ du sông Trà Khúc. 

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cũng cho biết, từ khi đi vào vận hành theo các Quy trình liên hồ chứa đến nay, việc phối hợp vận hành của các hồ chứa lớn trên 2 lưu vực sông Kôn - Hà Thanh và Trà Khúc đã góp phần quan trọng trong việc giảm lũ cho hạ du, đồng thời bảo đảm nguồn nước cấp cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ở khu vực hạ lưu các hồ chứa, kể cả những năm bị hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng như năm 2015, 2016. Tuy nhiên, qua kết quả rà soát, tổng kết quá trình vận hành liên hồ chứa trong thời gian qua cho thấy có một số vấn đề cần được xem xét điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình mới, đồng thời từng bước nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành các hồ trong việc cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du

Góp ý tại cuộc họp về các quy định liên quan đến vận hành giảm lũ cho hạ du, một số đại biểu thuộc các cơ quan liên quan, các công ty thủy điện và các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước nhất trí với việc ban hành 2 quy trình trên, cơ bản đều có hướng mở, trách nhiệm các địa phương được giao chủ động trong vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn- Hà Thanh và sông Trà Khúc. 

Về cơ bản, các ý kiến góp ý tại cuộc họp đều nhất trí với các nội dung quy định sửa đổi trong bản dự thảo của 02 quy trình lần này. Dự thảo quy trình sửa đổi đã quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định vận hành hồ trong cả mùa lũ và mùa cạn của chủ hồ, địa phương và các đơn vị liên quan, đồng thời quy định rõ hơn về các tình huống bất thường và xử lý các vấn đề liên quan. Ngoài ra, để bảo đảm nâng cao hiệu quả cấp nước cho hạ du của các hồ và để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, 2 bản Dự thảo Quy trình đã chỉnh lý, bổ sung, biên tập lại một số nội dung quy định về chế độ vận hành điều tiết cấp nước cho hạ du các hồ. Theo đó, đã điều chỉnh, bổ sung quy định về các khoảng mực nước hồ để quyết định chế độ vận hành xả nước xuống hạ du nhằm vừa bảo đảm tính chủ động của chủ hồ vừa kịp thời điều chỉnh trong trường hợp có nguy cơ thiếu nước, bảo đảm  an toàn cấp nước cho hạ du trong suốt mùa cạn.

 
Góp ý tại cuộc họp về các quy định tại Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn – Hà Thanh và lưu vực sông Trà Khúc, một số đại biểu cũng trao đổi, đóng góp các ý kiến về nguyên tắc và thẩm quyền quyết định vận hành các hồ trong mùa lũ, mùa cạn; quy định trách nhiệm, tổ chức vận hành các hồ chứa và cung cấp thông tin, báo cáo. 
 
Góp ý cụ thể, đại diện một số cơ quan liên quan cũng đề nghị làm rõ “hạn hán từ cấp độ 2 trở lên” quy định tại khoản 3, Điều 18: “Trường hợp xảy ra hạn hán với cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán từ cấp độ 2 trở lên, thì căn cứ tình hình thực tế, lưu lượng đến hồ, mực nước hồ, dự báo lưu lượng đến hồ và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du, chủ hồ đề xuất phương án xử lý gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo thẩm quyền quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai để xem xét, quyết định chế độ vận hành các hồ cho phù hợp với tình hình hạn hán và bảo đảm yêu cầu sử dụng tối thiểu đến cuối mùa cạn, kể cả việc xem xét sử dụng một phần dung tích chết của các hồ” bởi địa phương khó xác định khi nào xảy ra hạn hán với cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán từ cấp độ 2 trở lên để thực hiện. 

Góp ý Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Dakđrinh cũng đề nghị Tổ soạn thảo quy trình xem xét, nghiên cứu sửa đổi nội dung quy định về thời gian xả nước trong ngày của hồ Đakđrinh tại Điều 18 và Điều 19 của Dự thảo quy trình theo hướng không quy định hồ Đakđrinh phải xả nước liên tục trong khoảng thời gian cố định trong ngày mà chỉ quy định tổng lưu lượng nước hồ Đakđinh phải xả hàng ngày để hồ Đakđrinh chủ động phối hợp với hồ Nước Trong xả nước cho hạ du, tạo điều kiện cho nhà máy trong công tác tham gia thị trường phát điện điện cạnh tranh.


Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị tại Điều 24 quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, bổ sung quy định trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh chỉ đạo tất cả các hồ trên địa bàn tỉnh phải lắp đặt camera giám sát theo Thông tư 47/TT-BTNMT chứ không chỉ quy định đối với hồ Nước Trong.

Đại diện Chi Cục thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thông tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị tổ soạn thảo nghiên cứu quy định mực nước cao nhất trước lũ của hồ Nước Trong giai đoạn từ 15/11 đến 15/12 để không bị “vênh” so với quy định mực nước tối thiểu hồ phải đạt được vào đầu mùa cạn (quy định tại Phụ lục III) của dự thảo Quy trình.


Đại diện Viện Khoa học Khí Tượng Thủy Văn và Biến đổi khí hậu - Ông Hoàng Minh Tuyển cũng đề nghị Tổ soạn thảo xem xét quy định đầy đủ nội dung quy định thẩm quyền quyết định vận hành hồ trong mùa cạn đối với trường hợp thiếu nước.

 
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị liên quan. Đồng thời, đưa ra các giải trình về một số nội góp ý của các đại biểu. “Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tổ soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo, báo cáo lãnh đạo Bộ và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và các đơn vị liên quan trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành” - Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy cho biết.
Theo dwrm

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1