Chương trình hợp tác đào tạo nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải” chia sẻ kinh nghiệm thành công trong khối ASEAN

Từ ngày 21/06-22/06/2018 tại Jakarta, Indonesia, 60 nhà hoạch định chính sách giáo dục nghề nghiệp, đại diện các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo nghề của khối ASEAN đã tham dự Hội nghị Đối thoại chính sách khu vực ASEAN lần thứ 7 với chủ đề “Hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề - Hướng đến thực tiễn tốt hơn cho khối Asean”. Hội nghị được phối hợp tổ chức bởi Ban Thư ký ASEAN và Chương trình “Hợp tác khu vực về cải cách đào tạo nhân sự đào tạo nghề - RECOTVET” (Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ).
 

Bà Nguyễn Thị Hằng, hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ nghệ II giới thiệu chương trình đào tạo hợp tác nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải” tại Hội nghị.
 
Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thị Hằng, hiệu trưởng trường Cao đẳng kỹ nghệ II và ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nước và môi trường Bình Dương đã cùng nhau giới thiệu và chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ chương trình đào tạo hợp tác nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải”. Hai diễn giả đã trình bày về những thành quả và yếu tố thành công sau ba năm thực hiện chương trình, và xác định những thách thức và bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất những khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy hợp tác với khối doanh nghiệp trong đào tạo nghề.
 


Các đại biểu tham gia phần tọa đàm trong phiên họp toàn thể ngày thứ nhất với chủ đề: Triển vọng và tiềm năng hợp tác trong việc đào tạo nghề

Tại phiên tọa đàm, các đại biểu trong khu vực đặc biệt đánh giá cao hai yếu tố làm nên tính thực tiễn và hiệu quả cao của chương trình đào tạo nghề Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải. Yếu tố đầu tiên là sự gắn kết chặt chẽ giữa tất cả các bên liên quan để cùng nhau đi đến những quyết định chung, được các bên đồng thuận và công nhận. Yếu tố thứ hai là sự hợp tác chặt chẽ và phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa cơ sở GDNN với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và hội nghề nghiệp trong các bước then chốt: khối doanh nghiệp đề ra tiêu chuẩn nghề, cơ sở GDNN và các doanh nghiệp phát triển, thực hiện chương trình đào tạo dựa theo tiêu chuẩn nghề và cuối cùng là khối doanh nghiệp tham gia vào việc đánh giá kết quả đào tạo đối chiếu với tiêu chuẩn nghề.

Kết thúc hội nghị, các đại biểu đã đi đến thống nhất chung rằng để có một cộng đồng ASEAN kinh tế ổn định, thịnh vượng, có khả năng cạnh tranh cao thì các nước thành viên phải tập trung phát triển nguồn nhân lực và lực lượng lao động có tay nghề cao. Đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế với sự kết hợp chặt chẽ với khối doanh nghiệp sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế của khối ASEAN và giúp cho sự dịch chuyển lao động giữa các thành viên trong khối thuận lợi hơn.
 

60 nhà hoạch định chính sách giáo dục nghề nghiệp, đại diện các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo nghề của khối ASEAN đã tham dự Hội nghị Đối thoại chính sách khu vực ASEAN lần thứ 7 với chủ đề “Hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề 

Chương trình đào tạo hợp tác nghề “Kỹ thuật thoát nước và Xử lý nước thải” được cố vấn và hỗ trợ thực hiện bởi Hợp phần 3 “Đào tạo nghề cho lĩnh vực xử lý nước thải”, thuộc Chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam” do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) ủy nhiệm cho Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện.

Tvet-vietnam

Bài viết cùng chuyên mục