Xóa vùng “trắng” nước sạch nông thôn

Mục tiêu của Hà Nội đặt ra đến năm 2020 là 100% người dân trên địa bàn thành phố được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn và xóa vùng "trắng" nước sạch ở khu vực nông thôn. Hiện, các doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương nỗ lực tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời, tích cực tuyên truyền trong nhân dân về sử dụng nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống…


 
Trạm xử lý nước sạch xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quỳnh Dung

Còn nhiều khó khăn

Đến nay, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 nhà đầu tư thực hiện 34 dự án với phạm vi cấp nước cho 267 xã, 614.347 hộ với 2.483.389 người. Đến hết tháng 5-2018, thành phố đã chỉ đạo các nhà đầu tư thực hiện xây dựng mạng lưới, bảo đảm khả năng đấu nối, để cho 2.237.008 người (khoảng 52% số người dân nông thôn) được tiếp cận nguồn nước sạch. Hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang tích cực triển khai xây dựng, lắp đặt đường ống phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân. Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông, hiện công ty đang đẩy mạnh xây dựng và lắp đặt đường ống nước đến từng hộ dân ở các dự án: Trạm xử lý nước Dương Nội (quận Hà Đông); hệ thống cấp nước liên xã Vân Côn, An Thượng (huyện Hoài Đức); dự án nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước thị trấn Vân Đình; xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa). Nhìn chung, các dự án đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, một số nơi nhu cầu sử dụng nước của người dân rất thấp (chỉ đạt 10-15%), chẳng hạn: Xã Vân Côn, An Thượng (huyện Hoài Đức), công ty đã lắp đồng hồ nước cho 7.000 hộ nhưng chỉ có 2.000 hộ sử dụng, dẫn tới việc thu hồi vốn cho các dự án gặp nhiều khó khăn.

Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức Phùng Bá Nhân, đến nay, 2 đơn vị gồm Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông và Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội đã triển khai thi công mạng lưới đường ống trên địa bàn 16 xã, thị trấn, trong đó 8 xã: Vân Canh, Di Trạch, Lại Yên, Song Phương, Sơn Đồng, Kim Chung, Vân Côn, An Thượng đã thi công lắp, rải ống, thử áp và cung cấp nước trên địa bàn. Số hộ đã được cấp nước sạch là 10.285 hộ/11.645 số hộ đăng ký. Mặc dù các nhà đầu tư đã cố gắng triển khai thực hiện theo chỉ đạo của thành phố nhưng tiến độ còn chậm.

Nguyên nhân chủ yếu là dự án cấp nước đầu tư theo phương thức xã hội hóa khác so với các dự án cấp nước sử dụng vốn ngân sách đã triển khai trên địa bàn huyện trước đây, việc hưởng ứng tham gia, phối hợp của người dân còn hạn chế. Sự phối hợp giữa nhà đầu tư với chính quyền một số xã chưa chặt chẽ, kịp thời trong việc tuyên truyền thi công hệ thống nước sạch. Theo Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay một số nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án chậm, ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp nước sạch cho người dân; các dự án đầu tư phát triển nguồn, phát triển mạng lưới tại khu vực nông thôn sử dụng nguồn từ nhà máy nước tập trung chuẩn bị hoàn thành. Một số dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu tư vấn. Trong quá trình triển khai các dự án, chủ yếu là công ty nhỏ và vừa nên mức đầu tư hạn chế về vốn và công nghệ…

Thực hiện đồng bộ giải pháp

Để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án và tiếp tục chủ trương của thành phố đưa mạng lưới cấp nước sạch vươn đến những vùng không có nước sạch trong năm 2018, 9 dự án xây dựng hệ thống cấp nước sẽ được tiến hành trên quy mô 78 xã, cung cấp nước cho 673.180 người dân. Mục tiêu đến cuối năm nay, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch tăng lên khoảng 55%. Thành phố xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án phát triển mạng lưới cấp nước cho các xã chưa có hệ thống nước sạch trên địa bàn các huyện: Mê Linh, Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Chương Mỹ; dự kiến hết năm 2018, 100% các xã có nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án cấp nước sạch.

Để thực hiện, theo Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng, các nhà đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước, hệ thống mạng truyền dẫn kết nối với khu vực nông thôn đã được thành phố giao. Đối với khu vực không có nhà đầu tư, cần sử dụng công nghệ xử lý nước ngầm theo mô hình cấp nước cục bộ, cấp nước cụm hộ. Đối với các nhà đầu tư được giao quản lý, nghiên cứu đầu tư nâng cấp cải tạo mạng lưới, khảo sát, đề xuất giải pháp lắp đặt bổ sung thiết bị, nâng cấp các trạm cấp nước hiện có bảo đảm chất lượng nước theo tiêu chuẩn nước uống...

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường đề nghị Sở Xây dựng cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đầu tư phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, bảo đảm đúng tiến độ cấp nước sạch trên địa bàn huyện đã được thành phố phê duyệt. Các đơn vị xây dựng kế hoạch thi công, phương án thi công, hoàn công cụ thể từng tuyến đường ống chính để có cơ sở theo dõi, giám sát và đôn đốc; đồng thời thực hiện hoàn trả kết cấu đường, bảo đảm chất lượng, tiến độ và an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong quá trình tổ chức thi công. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, huyện phối hợp với các công ty nước sạch và các xã liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực dự án ký hợp đồng sử dụng nước sạch. Các đơn vị quản lý, vận hành thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng nước sạch tại nhà máy và các điểm sử dụng nước, bảo đảm tuân thủ chất lượng theo quy chuẩn của Bộ Y tế, từng bước tạo niềm tin trong nhân dân…
 
 
 
Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày là một trong những nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân. Thế nhưng, hiện nay nhiều người dân ở khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn thiếu nước sạch sinh hoạt...
Theo Ngọc Quỳnh/Báo Hà Nội mới

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1