30 năm Hội Cấp thoát nước Việt Nam - Sự kiện và Những con số

Ngày 25 tháng 4 năm 1988: Hội nghị Đại biểu của những người hoạt động khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực cấp thoát nước tại Hà Nội nhất trí đề xuất thành lập Hội Khoa học Kỹ thuật Cấp thoát nước, gọi tắt là Hội Cấp thoát nước.
 
Ngày 07 tháng 6 năm 1988: Hội Xây dựng Việt Nam ra Quyết định số 105/BCH cho phép thành lập Hội chuyên ngành Cấp thoát nước (gọi tắt là Hội Cấp thoát nước) trực thuộc Hội Xây dựng Việt Nam và công nhận Ban chấp hành gồm 31 người do Tiến sỹ Lê Long làm Chủ tịch, Kỹ sư Trần Văn Mô làm Tổng thư ký và ông Nguyễn Quốc Quyền làm Trưởng ban Kiểm tra, Hội có 3 ban: Ban Kiểm tra, ban Tổ chức và ban Khoa học kỹ thuật. Từ đây, ngày 7 tháng 6 được ghi nhận là ngày Thành lập Hội.
 
Ngày 30 tháng 7 năm 1991: Tại thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng diễn ra Hội nghị của 15 công ty, nhà máy nước khu vực phía Bắc đã thống nhất thành lập Câu lạc bộ các Giám đốc Công ty, nhà máy nước. Ông Nguyễn Văn Vấn, Giám đốc nhà máy nước Bắc Thái được bầu làm Chủ tịch. Đây là tiền thân của Chi hội cấp nước Miền Bắc.
 

 
Ngày 30 tháng 12 năm 1997: Câu lạc bộ Giám đốc các nhà máy nước phía Nam được thành lập với các sáng lập viên là các ông: Trần minh Quang (Cần Thơ), Đỗ Ngọc Khiếu (Đồng Nai), Huỳnh Tẩn Bửu (Cà Mau), Trương Văn Hiếu (Tiền Giang), Nguyễn Tấn Hiền (Kiên Giang). Đây là tiền thân của Chi hội Cấp nước Miền Nam.
Ngày 10 tháng 8 năm 1998: Đặc san Cấp thoát nước Việt Nam 3 tháng xuất bản một kỳ chính thức ra mắt bạn đọc là tiền thân Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam - Diễn đàn của ngành Cấp thoát nước Việt Nam theo Giấy phép hoạt động báo chí, số: 65/GP-BVHTT của Bộ Văn hóa-Thông tin ngày 14/6/2004 và nối tiếp là Giấy phép hoạt động báo chí in, số: 1186/GP-BTTTT của Bộ Thông tin Truyền thông ngày 29/7/2011. Đến nay, ngoài Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam là báo in, Hội còn có Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam online (Capthoatnuocvietnam.vn) chính thức hoạt động từ tháng 6/2013 và trang website đang hoạt động hiệu quả.
 

 
Ngày 16 tháng 11 năm 1998: Đại hội lần thứ II Hội Cấp thoát nước Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của các đại biểu, đại diện cho 107 đơn vị hội viên. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 43 ủy viên, ông Nguyễn Tôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ được bầu làm Chủ tịch và ông Vũ Kim Quyến làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký.
 
Tính đến cuối năm 1998, Hội đã có 107 đơn vị hội viên, 198 nhà máy nước với tổng công suất cấp nước là 2.500.000 m3/ngày gấp 1,5 lần năm 1988 (1.675.000 m3/ngày). Độ bao phủ của mạng lưới cấp nước đô thị đạt khoảng 40-45%; Tiêu chuẩn dùng nước 50-60l /người.ngày (chủ yếu cấp nước qua các vòi nước công cộng). 
 
Ngày 15 tháng 5 năm 2001: Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) ra Quyết định số 24/2011/QĐ-BTCCBCP thành lập Hội Cấp thoát nước Việt Nam trên cơ sở tách ra từ Hội Xây dựng Việt Nam.
 

 
Ngày 25 tháng 9 năm 2005: Đại hội lần thứ III Hội Cấp thoát nước Việt Nam tại thành phố Huế với sự tham dự của các đại biểu, đại diện cho 233 đơn vị hội viên. Chủ đề của Đại hội là: “ Đổi mới - Phát triển - Hội nhập”. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 49 ủy viên, ông Nguyễn Tôn được bầu làm Chủ tịch. Hội có 4 ban, 6 chi hội ở cả 3 miền đất nước. Đại hội lần này, Hội Cấp thoát nước Việt Nam được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
 
Cuối năm 2005 có 45 công ty cấp nước trên cả nước áp dụng mô hình “Cấp nước an toàn”; tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình là 35%.
 
 

 
Ngày 18-20 tháng 11năm 2008: Hội thảo và triển lãm ngành nước Việt Nam – Vietwater được Hội Cấp thoát nước Việt Nam bảo trợ, lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Đến nay, Vietwater đã trở thành sự kiện hàng năm của những người hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước.
 
 

 
Ngày 27 tháng 11 năm 2010: Đại hội lần thứ IV Hội Cấp thoát nước Việt Nam tại thành phố Hải Phòng với 250 đại biểu đại diện cho 247 đơn vị hội viên. Đại hội đã bầu được 53 ủy viên ban chấp hành, bầu ông Nguyễn Tôn làm Chủ tịch, ông Trần Quang Hưng làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Tại Đại hội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, phần thưởng cao quý của Nhà nước.
 

Ngày 19 tháng 4 năm 2011: Hội nghị Ban chấp hành Hội Cấp thoát nước Việt Nam lần thứ 2, họp tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thống nhất bầu ông Cao Lại Quang AHLĐ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội.
 
Ngày 22 tháng 02 năm 2013: Viện nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường được thành lập theo Quyết định số 12/QĐ-HCTNVN
 

 
Ngày 31 tháng 10 năm 2015: Đại hội lần thứ V Hội Cấp thoát nước Việt Nam tại thành phố Bình Dương, tỉnh Bình Dương với sự tham dự của 700 đại biểu đại diện cho hơn 70 nghìn cán bộ, viên chức, người lao động của hơn 300 đơn vị hội viên. Chủ đề của Đại hội là: “Đổi mới nhận thức, nâng cao vị thế, phát triển bền vững”. Đại hội bầu Ban chấp hành gồm 75 ủy viên, ông Cao Lại Quang được bầu làm Chủ tịch Hội.
 Đầu năm 2015, Hội đã xây dựng được “Chiến lược phát triển Hội Cấp thoát nước Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Chiến lược xác định giai đoạn 2015-2020 là thời kỳ then chốt với các chuyển hướng quan trọng trong hoạt động của Hội.
 
Tính đến cuối năm 2015:
 
Về cấp nước: Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch: 81%. Tổng công suất cấp nước theo thiết kế:  7,1 - 7,2 triệu m3/ngày (năm 2010 là 5,8 triệu m3/ngày). Tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình: 24,5% (năm 2010 là 31%). Lượng nước sử dụng bình quân theo người: 100 l/người.ngày. Mức độ ổn định dịch vụ cấp nước: 14-20 giờ/ngày, các đô thị loại I, II đảm bảo 24 giờ/ngày.
 
Về thoát nước: Tỷ lệ bao phủ của Hệ thống thoát nước đô thị: 60%, nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý tập trung: khoảng 11%, có 31 trạm/nhà máy xử lý nước thải tập trung đang hoạt động với tổng công suất: 809.000 m3/ngày và 30 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất thiết kế: 1.435.000 m3/ngày đang trong giai đoạn thiết kế xây dựng.
 

 
Ngày 16 tháng 01 năm 2017: Hội Cấp thoát nước Việt Nam chuyển về trụ sở: Tầng 19, tòa nhà Văn phòng số 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội. Từ ngày thành lập đến nay, văn phòng Hội đã di chuyển qua nhiều địa điểm: Khi mới thành lập, văn phòng được đặt tại số 5 Đường Thành, sau đó lần lượt chuyển qua các địa điểm: Văn phòng vụ khoa học, Bộ Xây dựng; 52 Quốc Tử Giám; 65 Vân Hồ 3; 127 Bùi Thị Xuân; về lại 65 Vân Hồ 3 và nay mới có trụ sở của mình, Như vậy, sau 29 năm thành lập đến nay Hội mới có Văn phòng chính thức của mình.
 
 

Ngày 27 tháng 6 năm 2017: Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng ngành Nước Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 68/QĐ-HCTNVN.
Đến tháng 6 năm 2018, Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã có Văn phòng Trung ương Hội, 6 ban, 1 viện, 1 trung tâm, 1 tạp chí và 6 chi hội.
 
Sau 30 năm, Hội Cấp thoát nước Việt Nam thật tự hào với những đóng góp để đạt được thành tích phát triển ngành Cấp thoát nước:
 
1. Năm 1988, tổng công suất cấp nước theo thiết kế là 1,67 triệu m3/ngày, đến nay cả nước có 111 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nước sạch cho các đô thị, vận hành khoảng 570 nhà máy nước với tổng công suất 8,5 triệu m3/ngày; tăng gấp 5 lần năm sau 30 năm;
2. Tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước sạch: Năm 1988 là 40%, nay là 84,5%;
3. Lượng nước sử dụng bình quân theo người: Năm 1988 là 50-60 l/người.ngày, nay là 100-110 l/người.ngày;
4. Tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình: Năm 1988 là 40%, nay là 22,5% (có nhiều đơn vị dưới 15%); 
5. Năm 1998 cả nước có 198 trạm/nhà máy cấp nước, nay có 570 trạm/nhà máy cấp nước đô thị; 
6. Năm 2005 có 2 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung hoạt động với tổng công suất 6.200 m3/ngày, đến nay cả nước có 71 doanh nghiệp đảm nhận dịch vụ thoát nước với 41 trạm/nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung, tổng công suất xử lý là 950.000 m3/ngày và 28 nhà máy đang trong quá trình xây dựng hoặc vận hành thử với tổng công suất thiết kế 1.375.000 m3/ngày.
 
   
  Người tổng hợp: PGS.TS Ứng Quốc Dũng
                                                                               Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam.

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1