An toàn hồ chứa thủy lợi: Chưa hết mối lo

Đóng vai trò quan trọng trong điều hòa hệ sinh thái, cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, đặc biệt là cắt lũ khi có thiên tai, tuy nhiên, sự xuống cấp của nhiều hồ chứa thủy lợi trên địa bàn Hà Nội đang làm dấy lên những mối lo.

Hồ lớn, hồ bé đều hư hỏng

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có tổng cộng 95 hồ chứa thủy lợi, trong đó, có 5 hồ chứa lớn với dung tích trên 5 triệu mét khối. Hầu hết các hồ chứa đã trải qua nhiều thập niên được khai thác, đặc biệt là ảnh hưởng của thiên tai dẫn tới phát sinh sự cố nghiêm trọng.
Hồ chứa thủy lợi Suối Hai, huyện Ba Vì. Ảnh: Lâm Nguyễn

Khảo sát mới đây cho thấy, tại hồ chứa nước lớn nhất của Hà Nội là hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, dung tích 61,9 triệu mét khối): Mái thượng lưu đập phụ Ngải Sơn có 3 đoạn lát đá bị xô sạt. Tại đập chính Ngải Sơn, đập phụ A, đập phụ B và đập phụ CD đều phát hiện các tổ mối phát sinh và mở rộng dần từ năm 2016. 7/35 ống đo áp trong thân đập cũng bị tắc, không quan trắc được. Trong khi đó, tại hồ Suối Hai (huyện Ba Vì), rãnh thoát nước mặt đập chính bị hư hỏng nặng. Thân đập chính xuất hiện 5 tổ mối. Mái thượng lưu đập phụ A có nhiều vị trí bị bong tróc. Toàn bộ bê tông cống lấy nước cũng bị xói mòn.

Không chỉ hai hồ chứa trên, hàng chục hồ chứa có dung tích nhỏ hơn trên địa bàn Hà Nội cũng đang gặp phải những sự cố nhất định liên quan tới hệ thống đập, tràn xả lũ, cống tiêu thoát nước… Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Nguyễn Vĩnh Liên cho biết, các hồ chứa xuống cấp ảnh hưởng lớn tới công năng dự trữ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là khả năng tiêu thoát nước vào mùa mưa. Sự cố tràn đê bao hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức) trong đợt mưa lớn hồi tháng 10/2017 dù không gây thiệt hại về người, nhưng cũng khiến nhiều vùng dân cư bị ngập sâu. 

Cần xây dựng hệ thống giám sát 

Những năm qua, công tác bảo trì, duy tu các hồ chứa thủy lợi được TP Hà Nội hết sức quan tâm. Các hồ chứa đã được phân cấp về cho 3 DN thủy lợi trực tiếp quản lý để tăng cường công tác giám sát, bảo đảm an toàn.

Đối với một số hồ chứa trọng yếu, UBND TP cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp. Đơn cử như Dự án cải tạo, sửa chữa hồ Suối Hai thuộc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được TP phê duyệt tại Quyết định số 5501/QĐ-UBND ngày 20/10/2015. Các hồ: Văn Sơn (huyện Chương Mỹ), Đồng Đò (huyện Sóc Sơn), Mèo Gù (huyện Ba Vì), cũng nằm trong kế hoạch được cải tạo trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách TP có hạn nên nhiều hồ chứa thủy lợi hiện đang hư hỏng khá nghiêm trọng, nhưng chưa được bố trí vốn đầu tư. Trong đó, đáng chú ý phải kể tới một số đập, bai đập dâng bị hư hỏng sau mùa mưa lũ năm 2017, có nguy cơ mất an toàn cao nếu không được sửa chữa cấp bách như Đập Vai Cời, đập Vai Quýt (thị xã Sơn Tây), hay đập Phú Hiền (huyện Mỹ Đức)…

Bên cạnh sự xuống cấp, một số hồ chứa vẫn chưa được lập quy trình vận hành và kiểm định an toàn đập theo Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 7/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý an toàn đập. Nhiều hồ chứa hiện chưa có thiết bị quan trắc hoặc nếu có thì cũng đã rất cũ kỹ, lạc hậu nên độ chính xác không cao, ảnh hưởng tới công tác dự báo và lập kế hoạch ứng phó với các sự cố công trình.

Dù đã quan tâm, bố trí vốn sửa chữa hàng năm, tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách TP có hạn, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát, bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa một số hồ chứa thủy lợi thuộc địa bàn hai huyện Sóc Sơn và Ba Vì. Bên cạnh đó, cần sớm lắp đặt hệ thống thông tin hồ chứa, cảnh báo xả lũ hạ du cho các hồ chứa lớn. Theo ông Mỹ, hệ thống sẽ đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát vận hành, cũng như ra quyết định chỉ đạo điều hành liên hồ chứa trong trường hợp khẩn cấp.

Theo Kinhtedothi

Bài viết cùng chuyên mục