Thủy điện trên sông MeKong sẽ làm tăng thời tiết cực đoan ở ĐBSCL

Việc khai thác cát, phát triển thủy điện trên dòng chính và thượng nguồn sông MeKong sẽ khiến lượng bùn cát bị giữ lại 65% trong tương lai gần và 90% trong tương lai xa, làm biến đổi dòng chảy và gia tăng thời tiết cực đoan (bão, lũ, xâm nhập mặn)… ở ĐBSCL.

Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) Trần Thục - Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn quốc gia về biến đổi khí hậu - nêu hàng loạt thông tin đầy lo ngại tại hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tổ chức tại Cần Thơ.
 
Trên 775 km - 550 điểm sạt lở 
 
ĐBSCL được đánh giá là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng. Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn ở ĐBSCL cập nhật đến năm 2014, các yếu tố khí hậu đã biến đổi khá rõ ràng và có sự tương đồng khá cao giữa các địa phương. Trong giai đoạn từ năm 1958 đến năm 2014, nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,5 độ C, nhiệt độ trong mùa khô tăng nhiều hơn so với mùa mưa. Lượng mưa năm tăng khoảng 5-20% ở đa số khu vực. 
 

 
Sạt lở ở Quận Cái Răng, TP.Cần Thơ đã cuốn theo nhà của người dân ven sông
 
Qua theo dõi của cơ quan chức năng, khu vực ĐBSCL hiện có 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 775 km. Thời gian qua, tốc độ xói lở bờ biển khu vực ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2005 đến nay, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi, làm diện tích khu vực đồng bằng giảm khoảng 300 ha/năm.
 
Theo GS Trần Thục, mực nước biển nếu dâng 100 cm sẽ khiến 38,9% diện tích đất của ĐBSCL bị ngập vĩnh viễn. Các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%).

Không chỉ có vậy, khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn hằng năm với diện tích nhiễm mặn lên tới 1,7 triệu ha. ĐBSCL còn thường xuyên bị lũ lụt, diện tích bị ngập lũ lên tới khoảng 1/2 diện tích toàn đồng bằng, mức ngập từ 1-4m và thời gian ngập kéo dài từ 1-6 tháng.
 
"Điều đó là rất đáng ngại. Song thiên tai với ĐBSCL sẽ nguy hiểm hơn bởi người dân chưa sẵn sàng chuẩn bị cho đối phó với những cơn bão lớn đổ bộ vào” – GS Trần Thục cảnh báo và nhấn mạnh, các yếu tố thời tiết cực đoan đang là thách thức lớn và ngày càng gia tăng với ĐBSCL khi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở phía thượng nguồn, phát triển kinh tế - xã hội nội tại của ĐBSCL kết hợp với BĐKH.
 
Cụ thể việc khai thác cát, phát triển thủy điện dẫn đến thay đổi chế độ dòng chảy, đặc biệt là suy giảm dòng chảy mùa cạn, gây suy giảm lượng phù sa đến đồng bằng và gia tăng các điều kiện khí hậu cực đoan và thiên tai. Kéo theo đó là hàng loạt vấn đề mà ĐBSCL sẽ phải đối mặt. “Sụt lún đất do khai thác nước ngầm, khai thác cát quá mức và do thiếu phù sa bù đắp,gia tăng xâm nhập mặn, sụt lún đồng bằng do thiếu phù sa bù đắp là nguy cơ lâu dài và nghiêm trọng nhất đối với khu vực này. Hiện tưởng sụt lở bờ sông cũng ngày càng nghiêm trọng" - ông Thục chỉ rõ.
 
Báo cáo của GS Trần Thục cũng nêu: Hiện ranh giới mặn 1‰ lấn sâu hơn thời kỳ nền trên sông Cổ Chiên là 9,5 km và trên sông Hậu là 8,8 km. Ranh giới mặn 4‰ lấn sâu hơn thời kỳ nền trên sông Cổ Chiên là 9,2 km.
 
Khảo sát hiện trạng tính đến tháng 3/2016 cũng cho thấy, ranh giới độ mặn 4g/l lấn sâu tới 90-95km trên sông Vàm Cỏ, 45-65 km trên sôngTiền,55-60 km trên sông Hậu và 60-65km ở khu vực ven biển Tây (Sông Cái Lớn).
 
Phải thay đổi để thích ứng với các tác động lớn
 
Theo ông Thục, từ hiện trạng này, rất cần một định hướng tổng thể cho sự chuyển đổi trong phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ĐBSCL trước các thách thức. 
 
“Thời gian qua đã có nhiều quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và địa phương cũng như nhiều nỗ lực, chương trình, dự án về phát triển và bảo vệ ĐBSCL. Tuy nhiên, những nỗ lực này còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết và còn mang tính ngắn hạn” – ông Thục nói.
 
PGS-TS Nguyễn Thế Chinh - Viện Chiến lược - Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - để xuất, định hướng đổi mới mô hình phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Theo đó, cần chú trọng phát huy thế mạnh của các tiểu vùng dựa trên đặc trưng sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và tác động kép từ ngoại biên (vùng ngập lũ (ngập sâu và kéo dài từ 2-3 tháng/năm), vùng giữa (vùng phù sa nước ngọt, ngập nông và nhiễm mặn nhẹ), và vùng ven biển (trên 6 tháng bị nhiễm mặn ở các mức độ). Chuyển đổi cơ cấu ngành của vùng ĐBSCL.
 
Trong đó đổi mới mô hình tổ chức lãnh thổ phát triển nông nghiệp với tầm nhìn dài hạn dựa trên đặc trưng sinh thái của vùng theo hướng nâng cao chất lượng, lựa chọn sản phẩm giá trị cao dựa trên cơ sở áp dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ và định hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, đạt mục tiêu hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Trước hết là mô hình nông nghiệp lúa nước, thủy sản nuôi và tự nhiên, cây ăn quả có giá trị cao.
 
Viện Chiến lược - Chính sách tài nguyên và môi trường cũng gợi ý, ĐBSCL cần đổi mới mô hình tổ chức lãnh thổ phát triển công nghiệp dựa trên đặc điểm tự nhiên của vùng, lựa chọn ngành nghề phù hợp, ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường mang lại hiệu quả tổng thể lớn nhất. Trước hết là mô hình công nghiệp chế biến gắn với nông sản, thủy sản và chế biến hoa quả tạo thành chuỗi giá trị của vùng đáp ứng nhu cầu thị trường cần.
 
Ông Chinh cũng cho rằng, cần đổi mới mô hình hợp tác quốc tế dựa trên cơ sở đồng thuận, cùng có lợi; duy trì hệ sinh thái vùng trong bối cảnh BĐKH, thực hiện tăng trưởng xanh, xây dựng nền kinh tế xanh của vùng hướng đến phát triển bền vững.
 
Tác giả bài viết: Phương Nguyên
Nguồn tin: khoahocphattrien.vn

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1