Tái sử dụng nước thải để bảo vệ tài nguyên nước

Hiện nay, nước thải từ sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp không qua xử lý được xả thẳng ra môi trường ngày càng gia tăng, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên nước mặt, nước ngầm, ảnh hưởng môi trường và sức khỏe người dân, đe dọa an ninh nước quốc gia. Giải pháp tái sử dụng nước thải đang được các nhà quản lý đặt ra nhằm bảo vệ tài nguyên nước.

Việt Nam có 2.372 con sông có chiều dài hơn 10 km, với tổng dòng chảy khoảng 840 tỷ m3/năm, trong đó có từ 520 đến 525 tỷ m3 nước chảy từ các quốc gia láng giềng ở thượng nguồn các lưu vực sông vào Việt Nam, lượng nước còn lại được sinh ra từ chính lãnh thổ nước ta. Các hoạt động sử dụng, phát triển tài nguyên nước trên các sông cùng chia sẻ với Việt Nam của các nước láng giềng sẽ tác động trực tiếp đến nguồn nước của chúng ta. Việc phụ thuộc nhiều vào nguồn nước từ bên ngoài của nước ta được xem là một trong những thách thức lớn trong công tác phát triển và quản lý tài nguyên nước. Bên cạnh đó, do lượng mưa hàng năm phân bố không đều theo mùa, cho nên có sự phân hóa lượng dòng chảy mùa mưa và mùa khô. Về mùa mưa, sự tập trung dòng chảy lớn có thể gây nên hiểm họa thiên tai như lũ, lụt, trong khi đó mùa khô, có thể gây nên hạn hán, thiếu nước cho nhu cầu của con người và sản xuất. Trong những năm qua, lượng nước bình quân đầu người ở nước ta giảm khá nhanh. Từ 12.800 m3/người (năm 1990) xuống còn 9.000 m3/người (năm 2015), dự báo giảm xuống còn 8.300 m3/người vào năm 2025. Nếu tính riêng lượng nước nội sinh trong lãnh thổ Việt Nam, lượng nước bình quân chỉ còn 3.000 m3/người vào năm 2025. Ngoài ra, do nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, sinh hoạt không qua xử lý đổ vào các dòng sông và nguồn nước dưới đất làm suy giảm nhanh chóng lượng nước có thể sử dụng được ở nước ta hiện nay.
 
 

Vận hành dây chuyền xử lý nước thải tại Trạm xử lý nước thải Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: ĐĂNG ANH
 
Theo TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), khi dân số tăng cao, kinh tế phát triển nhanh thì lượng nước sử dụng và nước thải ngày càng nhiều. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, Việt Nam có hơn 200 khu công nghiệp, nhưng phần lớn đều chưa có giải pháp xử lý nước thải bền vững. Hằng ngày, có hơn một triệu mét khối nước thải từ các khu công nghiệp, trong đó có khoảng 75% lượng nước thải không được xử lý, xả thẳng ra môi trường, gây nguy hại cho con người và sinh vật. Theo số liệu thống kê, năm 2013, TP Hà Nội có lượng nước thải sinh hoạt khoảng 900 nghìn m3/ngày đêm, nhưng chỉ xử lý khoảng 213 nghìn m3, lượng nước thải không qua xử lý được đổ ra các con sông chảy quanh Hà Nội, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước mặt, nước ngầm.
 
Từ thực tế nêu trên, việc tái sử dụng nước thải là hết sức cần thiết. Nước thải được xử lý sẽ trở thành nguồn nước sạch, bổ sung cho số lượng nước hao hụt do con người sử dụng. Thế nhưng, việc tái sử dụng nước thải chưa được chú trọng do quan niệm sai lầm rằng Việt Nam giàu về nước, không cần thiết phải xử lý, sử dụng lại. Mặt khác, việc xử lý nước thải đòi hỏi nguồn tài chính lớn, cho nên chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia. Các chính sách của Nhà nước cũng chậm được ban hành, thiếu đồng bộ để khuyến khích tổ chức, cá nhân tái sử dụng nước thải. Theo các chuyên gia, để từng bước giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải gây ra và tăng tỷ lệ tái sử dụng nước thải ở Việt Nam, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân cần ưu tiên nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý nước thải và tái sử dụng nước thải; khuyến khích nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ xử lý nước phù hợp với nhu cầu tái sử dụng của từng ngành, lĩnh vực. Việc tái sử dụng nước không chỉ chú trọng ở các ngành công nghiệp, mà cần có chính sách khuyến khích tất cả các ngành dùng nước, trong đó có ngành nông nghiệp. Đối với các khu công nghiệp phải thực hiện xử lý tập trung và tái sử dụng; cần xem sản phẩm nước tái sinh là hàng hóa, thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước tái sinh.
 
Theo Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cần tăng cường các biện pháp, chế tài đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước như bổ sung các quy định để xử lý hình sự, tăng tiền phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, kể cả việc xử lý đối với người đứng đầu tổ chức gây ô nhiễm. Nghiên cứu cơ chế thực hiện việc thu tiền để xử lý nước thải gắn với thu tiền sử dụng nước, hoặc thực hiện việc ký quỹ để các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xử lý nước thải theo quy định của pháp luật.

 
Tác giả bài viết: THÚY HỒNG
Nguồn tin: nhandan.com.vn

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1